Paracetamol hay còn gọi là Acetaminophen, là loại thuốc giảm đau được dùng phổ biến nhất trên toàn thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là liệu pháp đầu tay trong các tình trạng đau. Ngoài ra, Paracetamol còn được sử dụng để hạ sốt. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng thuốc paracetamol có thể gây quá liều dẫn đến suy gan, thậm chí tử vong. Vì vậy, các bạn hãy cùng đọc bài viết dưới đây để có thêm kiến thức sử dụng thuốc hạ sốt an toàn, hiệu quả.
Mục lục
1. Thông tin cơ bản về thuốc paracetamol
1.1. Các dạng bào chế và hàm lượng
Trên thị trường hiện nay rất đa dạng về dạng bào chế và hàm lượng của Paracetamol như:
- Viên sủi với hàm lượng thông thường là 500mg
- Viên nén 500mg, 325mg
- Siro uống.
- Bột pha theo các gói với hàm lượng 80mg, 150mg hay 250mg
- Viên đặt hậu môn với hàm lượng 80mg, 150mg và 300mg
- Dạng tiêm truyền: ít gặp hơn và được chỉ định bởi bác sĩ
1.2. Chỉ định
Paracetamol được sử dụng để điều trị:
- Các cơn đau nhẹ đến trung bình như: đau đầu. đau răng, đau bụng kinh…
- Hạ sốt do mọi nguyên nhân gây sốt.
Lưu ý: Được dùng để hạ sốt rộng rãi. Do nguy cơ gây phản ứng dị ứng thấp, thuốc này có thể được sử dụng cho những bệnh nhân không dung nạp với salicylat và những người có cơ địa dị ứng, bệnh nhân hen phế quản.
1.3. Chống chỉ định
- Quá mẫn với Paracetamol
- Thiếu men G6PD, do dễ gây ra vỡ hồng cầu và dẫn đến tình trạng thiếu máu.
- Bệnh gan nặng, Paracetamol chuyển hóa chủ yếu qua gan nên bệnh nhân tổn thương gan khả năng chuyển hóa Paracetamol suy giảm, dẫn đến chúng dễ tích tụ và gây độc tính.
- Phối hợp với các thuốc gây độc cho gan như Isoniazid, Rifampicin, khi đó sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Lâu ngày chất độc tích tụ làm gan suy giảm chức năng.
- Không uống rượu trong thời gian dùng thuốc vì có thể làm tăng nguy cơ gây tổn thương gan.
1.4. Thận trọng
Thận trọng khi kết hợp sử dụng các loại thuốc chứa cùng hoạt chất Paracetamol với nhau. Điều đó dễ dẫn đến hiện tượng quá liều mà không lường trước được.
Phụ nữ mang thai và cho con bú vẫn có thể sử dụng paracetamol, nên tham khảo ý kiến của dược sĩ trước khi sử dụng.
1.5. Liều dùng
Liều tối đa của Paracetamol người lớn được phép sử dụng là 4g (4000mg)/ngày.
Liều dùng của Paracetamol được xác định tùy theo từng đối tượng. Cụ thể:
Người lớn:
Liều dùng để hạ sốt hoặc giảm đau: 325 đến 650 mg (tối đa 1000 mg) mỗi 6 đến 8 giờ bằng đường uống hoặc trực tràng.
Trẻ em:
Dạng viên đạn đặt trực tràng:
- Trẻ em dưới 3 tháng tuổi (thuốc đạn 60 mg): Một viên đạn (60mg) thích hợp cho trẻ sơ sinh bị sốt sau khi chủng ngừa lúc 2 tháng. Nếu không, chỉ sử dụng cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi theo lời khuyên của bác sĩ.
- Trẻ em từ 3 tháng đến 1 tuổi (thuốc đạn 60 mg)
Liều lượng phải dựa trên tuổi và cân nặng tức là:
- 3 tháng(5kg)- 60mg(1 viên đạn)
- 1 năm(10kg)- 120mg(2 viên đạn)
Trẻ từ 1 đến 5 tuổi (thuốc đạn 125mg)
- 1 năm (10kg)-125mg (1 viên đạn)
- 5 năm(20kg)-250 mg(2 viên đạn)
Trẻ em từ 6-12 tuổi(thuốc đạn 250 mg)
- 6 năm(20kg)-250 mg (1 viên đạn)
- 12 năm (40 kg)- 500mg(2 viên đạn)
Những liều này có thể được lặp lại tối đa 4 lần trong 24 giờ. Liều không được lặp lại thường xuyên hơn 4 giờ một lần. Không được vượt quá liều khuyến cáo. Liều cao hơn không làm tăng tác dụng giảm đau. Nên giữ nguyên vẹn thuốc đạn trước khi dùng.
Dùng đường uống
- Trẻ em từ 1-6 tuổi: 125-250 mg(2.5-5ml)/lần, 3-4 lần/ngày
- Trẻ em 6-12 tuổi: 250-500 mg(5-10 ml)/ lần, 3-4 lần/ngày
- Người lớn: 500 – 1000 mg/ lần. Tối đa ngày 4 lần
1.6. Cách dùng
Sử dụng Paracetamol theo chỉ dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với trẻ em nên dùng dạng thuốc Paracetamol dành riêng cho trẻ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi khi không có chỉ định của bác sĩ.
Paracetamol thường được dùng qua đường uống. Trường hợp người bệnh không thể uống thuốc có thể dùng dưới dạng đặt trực tràng.
- Với thuốc dạng lỏng: Sử dụng muỗng hoặc dụng cụ chuyên dụng để đong liều.
- Với dạng viên nhai phải nhai kỹ viên thuốc trước khi nuốt.
- Với Paracetamol dạng hòa tan: Giữ tay khô ráo khi cầm viên thuốc. Chú ý không nuốt toàn bộ thuốc mà để thuốc tự hòa tan trong miệng.
- Với Paracetamol dạng sủi bọt: cần hòa tan một viên sủi với khoảng 150 – 200 mL nước.
- Với Paracetamol dạng bột, nên pha với một lượng vừa đủ nước khoảng 5-10 mL để hòa tan hoàn toàn bột.
- Dạng đặt hậu môn: không được uống. Rửa tay sạch sẽ trước hoặc sau khi đặt thuốc và tránh đi vệ sinh hoặc đi tắm sau khi dùng thuốc.
1.7. Dược động học
Hấp thu
Acetaminophen có sinh khả dụng đường uống 88% và đạt nồng độ cao nhất trong huyết tương 90 phút sau khi uống.
Nồng độ đỉnh trong máu của acetaminophen tự do đạt được sau 3 giờ khi dùng đường trực tràng và nồng độ đỉnh trong máu xấp xỉ 50% nồng độ quan sát được sau khi uống một liều thuốc uống tương đương (10-20 mcg / mL).
Phân bố
Thể tích phân bố khoảng 0,9L / kg. Paracetamol phân bố rộng rãi khắp hầu hết các mô của cơ thể ngoại trừ chất béo.
Liên kết của paracetamol với protein huyết tương thấp (dao động từ 10% đến 25%).
Chuyển hóa
Acetaminophen được chuyển hóa chủ yếu ở gan, chuyển hóa qua 3 con đường: liên hợp với glucuronic, liên hợp với sulfat và oxy hóa thông qua con đường enzym cytochrom P450 để tạo ra chất chuyển hóa (N- acetyl-p-benzoquinone imine hoặc NAPQI). Chất này liên hợp với nhóm sulfydryl của glutathione để tạo ra chất không còn hoạt tính.
Thải trừ
Các chất chuyển hóa của acetaminophen được thải trừ qua nước tiểu chủ yếu dưới dạng đã chuyển hóa. Độ thanh thải là 19,3L/h. Thời gian bán thải khoảng 2,5 giờ.
1.8. Dược lực học
Các nghiên cứu trên động vật và lâm sàng đã xác định rằng acetaminophen có cả tác dụng hạ sốt và giảm đau. Thuốc này đã được chứng minh là không có tác dụng chống viêm.
Cơ chế hạ sốt: Paracetamol ức chế prostaglandin synthetase làm giảm tổng hợp prostaglandin E1 và E2, do đó ức chế quá trình sinh nhiệt, tăng cường các quá trình thải nhiệt và thiết lập lại cân bằng cho trung tâm điều nhiệt.
Lưu ý rằng: Paracetamol không gây hạ thân nhiệt ở người bình thường.
Trái ngược với nhóm thuốc salicylate, Paracetamol không làm rối loạn bài tiết axit uric ở ống thận và không ảnh hưởng đến cân bằng axit-bazơ khi dùng ở liều khuyến cáo. Hơn nữa, Paracetamol không gây rối loạn quá trình cầm máu và ức chế kết tập tiểu cầu. Phản ứng dị ứng hiếm khi xảy ra sau khi sử dụng acetaminophen.
1.9. Tác dụng không mong muốn
Nói chung, thuốc Paracetamol dung nạp tốt, ít tác dụng không mong muốn, đôi khi gặp các phản ứng dị ứng như ban da, mày đay, sốt, buồn nôn, nôn, rối loạn tạo máu.
1.10. Tương tác thuốc
Ở những bệnh nhân dùng thuốc cảm ứng enzym như rifampicin và một số thuốc chống động kinh (carbamazepine, phenytoin, phenobarbital, primidon) làm tăng chuyển hóa paracetamol.
Probenecid làm giảm gần 2 lần độ thanh thải của Paracetamol bằng cách ức chế sự liên hợp của nó với axit glucuronid. Cần xem xét giảm liều Paracetamol khi điều trị đồng thời với probenecid.
Uống dài ngày liều cao Paracetamol làm tăng nhe tác dụng chống đông của Coumarin và dẫn chất Indandion
Isoniazid và thuốc chống lao: Giảm thanh thải paracetamol, có thể làm tăng tác dụng và / hoặc độc tính của nó, bằng cách ức chế chuyển hóa ở gan.
1.11. Bảo quản
Thuốc Paracetamol nên được bảo quản nơi thoáng mát, trong khoảng 15 – 30 độ C. Riêng, Paracetamol dạng viên đặt hậu môn có thể bảo quản trong tủ lạnh.
Lưu ý, tuyệt đối không để thuốc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc ở nơi ẩm thấp. Khi thuốc có dấu hiệu biến đổi màu sắc, có mùi lạ cần ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến của dược sĩ để biết cách xử lý thuốc hết hạn đúng cách.
2. Thông tin thuốc paracetamol trên thị trường hiện nay
Paracetamol cho người lớn
2.1. Panadol xanh
Thành phần: Paracetamol 500mg
Công dụng: điều trị đau nhẹ đến vừa, hạ sốt
Đối tượng sử dụng và cách dùng
- Người lớn (kể cả người cao tuổi) và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: uống 1 – 2 viên/lần, sau mỗi 4 – 6 giờ nếu cần. Liều tối đa hàng ngày: 8 viên.
- Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi: Dùng 250 – 500mg sau mỗi 4 đến 6 giờ nếu cần. Liều tối đa hàng ngày: 60mg/kg cân nặng chia thành nhiều lần, mỗi lần 10 – 15mg/kg cân nặng dùng trong 24 giờ. Thời gian tối đa dùng thuốc không có tư vấn của bác sĩ: 3 ngày.
2.2. Panadol đỏ (Panadol extra)
Thành phần: Paracetamol 500 mg, Cafein 65 mg
Công dụng: Panadol Extra chứa paracetamol là một chất hạ sốt, giảm đau và caffeine là một chất tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol.
Panadol Extra có hiệu quả trong: Điều trị đau nhẹ đến vừa và hạ sốt bao gồm: Đau đầu, đau nửa đầu, đau cơ, đau bụng kinh, đau họng, đau cơ xương, sốt và đau sau khi tiêm vacxin, đau sau khi nhổ răng hoặc sau các thủ thuật nha khoa, đau răng, đau do viêm xương khớp.
Đối tượng sử dụng: Người lớn (kể cả người cao tuổi) và trẻ em từ 12 tuổi trở lên
Đường dùng: chỉ dùng đường uống
Liều dùng:
Nên dùng 500 mg Paracetamol/65 mg caffeine đến 1000 mg paracetamol/130 mg caffeine (1 hoặc 2 viên) mỗi 4 đến 6 giờ nếu cần.
Liều tối đa hàng ngày: 4000 mg/520 mg (paracetamol/caffeine).
2.3. Panadol sủi
Thành phần: Paracetamol 500mg
Công dụng:
Đối tượng sử dụng và cách dùng:
- Người lớn (kể cả người cao tuổi), trẻ em từ 12 tuổi trở lên
- Chỉ dùng đường uống
- Hòa tan 1-2 viên trong ít nhất nửa cốc nước cho mỗi 4-6 giờ.
Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi
- Hòa tan 250-500 mg trong ít nhất nửa cốc nước cho mỗi 4-6 giờ.
- Thời gian tối đa dùng thuốc không có tư vấn của bác sỹ: 3 ngày.
Trẻ em dưới 6 tuổi: Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Paracetamol cho trẻ nhỏ & trẻ sơ sinh
(paracetamol hỗn dịch, paracetamol bột pha hỗn dịch, paracetamol đặt trực tràng) – 1 Số biệt dược
2.4. Paracetamol hỗn dịch (Tylenol)
Thành phần: mỗi 2,5 ml (1/2 thìa cà phê) chứa 80 mg paracetamol
Công dụng: giảm đau từ nhẹ đến trung bình trong các trường hợp đau đầu, đau tai, đau cơ xương… và giảm triệu chứng sốt do cảm lạnh thông thường, cúm và các nhiễm trùng do virus hay vi khuẩn.
Đối tượng sử dụng: Trẻ em dưới 12 tuổi dùng 10-15 mg/kg mỗi 4-6 giờ, không được vượt quá 50-75 mg/kg/24 giờ.
2.5. Paracetamol đặt trực tràng (EFFERALGAN)
Thành phần: Paracetamol 150mg
Công dụng:
Thuốc dùng điều trị các chứng đau và/hoặc sốt như đau đầu, tình trạng như cúm, đau răng, nhức mỏi cơ.
Đối tượng sử dụng: Thuốc dùng điều trị cho trẻ em cân nặng từ 10-40kg
Liều dùng:
EFFERALGAN được khuyến cáo tổng liều tối đa mỗi ngày là 60mg/kg/ngày, chia 4 lần dùng, khoảng 15 mg/kg mỗi 6 giờ, Vì có nguy cơ gây kích thích trực tràng, nên việc điều trị bằng viên đạn đặt trực tràng càng ngắn càng tốt, không nên vượt 4 lần/ ngày và nên thay thế sớm nhất có thể bằng đường uống.
3. Sử dụng quá liều dẫn đến ngộ độc paracetamol
Lượng tối đa cho người lớn là 1 gam (1000mg) mỗi liều và 4 gam (4000 mg) mỗi ngày. Nếu đang sử dụng đồ uống có cồn, lượng Paracetamol dùng không quá 2 gam (2000mg) mỗi ngày. Sử dụng nhiều paracetamol có thể gây hại cho gan.
3.1. Quá liều
Có thể có tổn thương gan ở người lớn đã dùng từ 10g paracetamol trở lên. Nuốt phải 5g paracetamol trở lên có thể dẫn đến tổn thương gan nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như:
- Đang điều trị lâu dài bằng carbamazepine, phenobarbital, phenytoin, primidone, rifampicin hoặc các loại thuốc khác gây ra men gan.
- Thường xuyên tiêu thụ rượu (ethanol) vượt quá lượng khuyến cáo.
- Có khả năng bị cạn kiệt glutathione như: xơ nang, nhiễm HIV, suy kiệt.
3.2. Các triệu chứng
Các triệu chứng của quá liều paracetamol trong 24 giờ đầu là xanh xao, buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng. Tổn thương gan có thể trở nên rõ ràng từ 12 đến 48 giờ sau khi uống. Có thể xảy ra bất thường về chuyển hóa glucose và nhiễm toan chuyển hóa.
Trong trường hợp ngộ độc nặng, suy gan có thể tiến triển thành bệnh não, xuất huyết, hạ đường huyết, phù não và tử vong. Suy thận cấp với hoại tử ống thận cấp, đau thắt lưng, đái ra máu và protein niệu, có thể xảy ra ngay cả khi không có tổn thương gan nặng. Rối loạn nhịp tim và viêm tụy đã được báo cáo.
4. Cơ chế ngộ độc và nguyên tắc xử trí quá liều paracetamol
4.1. Cơ chế ngộ độc
Paracetamol chuyển hóa qua cytochrom P450 ở gan tạo ra chất trung gian NAPQI. Trong gan chứa chất có tên là Glutathione – một chất chống oxy hoá chủ yếu, chất này có tác dụng gắn và làm mất hoạt tính gây độc của NAPQI.
Ở liều điều trị bình thường, NAPQI trải qua quá trình liên hợp nhanh với glutathione và sau đó được chuyển hóa để tạo ra chất không còn hoạt tính.
Liều cao acetaminophen (quá liều) tạo ra nhiều NAPQI, làm cạn kiệt glutathion ở gan. Khi đó, NAPQI sẽ phản ứng với nhóm sulfydrid của protein gan gây tổn thương gan, hoại tử gan và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
4.2. Nguyên tắc xử trí quá liều Paracetamol
Nguyên tắc 1: Loại bỏ chất độc khỏi cơ thể
- Áp dụng các biện pháp gây nôn trong vòng 1 giờ sau khi uống paracetamol quá liều.
- Tiến hành rửa dạ dày trong vòng 6 giờ sau uống thuốc.
- Nên cân nhắc điều trị bằng than hoạt nếu đã dùng quá liều trong vòng 1 giờ. Nồng độ paracetamol trong huyết tương nên được đo sau 4 giờ hoặc muộn hơn sau khi uống (nồng độ trước đó không đáng tin cậy).
Nguyên tắc 2: Sử dụng thuốc giải độc
Các hợp chất sulfhydryl, ví dụ, methionine và N-acetylcysteine nên được dùng sớm để hạn chế tổn thương gan
- Điều trị bằng N-acetylcysteine có thể được sử dụng trong 24 giờ sau khi uống paracetamol.Tuy nhiên, tác dụng bảo vệ tối đa đạt được 8 giờ sau khi uống.
- Nếu cần, bệnh nhân nên được tiêm tĩnh mạch-N-acetylcysteine. Ngoài ra, Methionin đường uống có thể là lựa chọn thay thế thích hợp.
TỔNG KẾT
Paracetamol là liệu pháp đầu tay khi điều trị các tình trạng đau từ nhẹ đến vừa. Ngoài ra nó còn có tác dụng hạ sốt do mọi nguyên nhân gây sốt. Trên thị trường hiện nay Paracetamol có rất nhiều dạng bào chế với hàm lượng đa dạng. Hãy thật tỉnh táo và hiểu biết khi sử dụng loại thuốc này. Chú ý tuân thủ theo đúng liều lượng nhà sản xuất đã khuyến cáo, tránh gây ra quá liều và dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn:
- Drug.com
- FDA