Cơ thể bị mất nước kéo dài, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng sức khỏe của chúng ta. Khi ấy, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn hoặc nôn khan,… đó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu nước và các chất điện giải. Do đó, nước bù điện giải sẽ giải pháp cần bổ sung ngay lập tức, tuy nhiên chúng ta đã thực sự biết cách sử dụng sao cho đúng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều này thông qua bài viết sau đây.
Mục lục
1. Chất bù điện giải là gì?
Chất điện giải là các khoáng chất khi được hòa tan, tạo thành các ion tích điện, có khả năng dẫn điện. Các ion điện giải thông thường bao gồm: natri, clorua, kali, magiê và canxi.
Nước bù điện giải là nước được tăng cường các chất khoáng tích điện này, nhưng với nồng độ khác nhau. Hầu hết trong các loại nước uống đóng chai thông thường đều có chứa 1 lượng nhỏ chất điện giải. Trong nước máy cũng có chất điện giải: trung bình 1 lít nước máy chứa 2 – 3% lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày (RDI) đối với natri, canxi và magiê, nhưng ít hoặc không có kali.
Bên cạnh đó, đồ uống thể thao bù điện giải trong cùng một lượng có thể cung cấp tới 18% RDI cho natri và 3% RDI cho kali, nhưng ít hoặc không có magiê và canxi.
Sau khi được bổ sung, các chất điện giải được phân phối qua dịch lỏng trong cơ thể và sử dụng năng lượng điện của chúng để tạo điều kiện cho các chức năng quan trọng của cơ thể diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn, như: quá trình trao đổi chất, hoạt động của cơ (kể cả cơ tim), kiểm soát cân bằng điện giải, điều hòa huyết áp, duy trì độ pH máu,…
2. Khi nào cần bù điện giải
Trong một số trường hợp, mức điện giải trong máu có thể trở nên quá cao hoặc quá thấp, gây mất cân bằng hay còn gọi là rối loạn chất điện giải. Tình trạng này có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nguy hiểm hơn có thể gây tử vong.
Các trường hợp cần nước bù điện giải:
- Hay gặp khi cơ thể mất nhiều nước: do sốt cao, vận động với cường độ cao và hoặc trong thời gian dài, tiêu chảy, nôn mửa,…
- Ít gặp hơn: do tuổi tác, lạm dụng thuốc, bệnh thận, điều trị ung thư, bị chấn thương như bỏng nặng hoặc rối loạn ăn uống,…. cũng gây mất cân bằng điện giải
Khi cơ thể bị rối loạn điện giải nhẹ, có thể sẽ không có triệu chứng nào rõ rệt để báo hiệu điều đó. Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào chất điện giải nào bị mất cân bằng và mức độ của chất đó quá cao hay quá thấp. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mất cân bằng điện giải nghiêm trọng cần kể đến là:
- Mệt mỏi, suy kiệt
- Nhức đầu
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Tê bì, ngứa ngáy
- Yếu cơ, chuột rút
- Nôn mửa
- Co giật
Khi cơ thể bị thiếu hụt các chất điện giải (phổ biến là natri và kali), chúng cần được bổ sung để duy trì mức độ cân bằng, giữ cho cơ thể khỏe mạnh, thực hiện tốt chức năng của các cơ quan. Thận và một số hormone khác có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ của các chất điện giải. Nếu mức độ của một chất quá cao, thận sẽ lọc chất này khỏi cơ thể. Tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu chất điện giải đó có nồng độ quá cao so với mức mà cơ thể có thể điều chỉnh.
Do vậy, việc duy trì độ cân bằng các chất điện giải rất quan trọng, bạn hãy lưu ý khi cơ thể có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, và bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên hoặc bằng các loại nước bù nước và điện giải.
3. Nhu cầu chất điện giải
Tùy theo tuổi tác, giới tính hay cường độ vận động mà nhu cầu chất điện giải ở mỗi nhóm đối tượng là khác nhau. Cụ thể đối với người trưởng thành:
- Nhu cầu về lượng Natri: < 2.000mg/ngày, đối với cả nam và nữ
- Nhu cầu về lượng Kali: 4.700mg/ngày, đối với cả nam và nữ
- Nhu cầu về lượng Magiê: 330 – 350mg/ngày cho nam và 255 – 265mg/ngày cho nữ
- Nhu cầu về lượng Canxi: 800mg/ngày, đối với cả nam và nữ
4. Thuốc bù điện giải Oresol (ORS)
Trong những trường hợp rối loạn điện giải nhẹ, chúng ta có thể bổ sung bằng cách sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều khoáng chất (chuối, bơ, cam,…), nước ép sinh tố hoặc nước uống thể thao,…
Tuy nhiên, khi cơ thể bị mất nước và cần bổ sung ngay lập tức thì nước uống bù điện giải Oresol là thuốc đầu tay được các bác sỹ khuyên sử dụng. Chế phẩm này có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
4.1. Thành phần
Gói bù điện giải Oresol được bào chế dạng thuốc bột pha uống với trọng lượng 27,9g mỗi gói, trong đó có chứa:
- Glucose khan 20g
- Natri clorid 3,5g
- Natri citrat 2,9g
- Kali clorid 1,5g
- Tá dược vđ
4.2. Nguyên lý sử dụng Oresol
Ruột non là cơ quan quan trọng trong quá trình điều hòa và cân bằng nước, điện giải giữa 2 vị trí: huyết tương và lòng ruột. Trong đó, ion Na+ là ion quan trọng, tác động đến quá trình trao đổi nước qua ruột – quá trình này được điều hòa chủ yếu nhờ sự chênh lệch áp lực thẩm thấu được hình thành khi vận chuyển các chất hòa tan.
Ion Na+ được vận chuyển theo 3 cơ chế chính (từ lòng ruột vào tế bào):
- Trao đổi với 1 ion H+
- Gắn với Clorid
- Gắn với Glucose/peptit trên các vật tải
Sự có mặt của Glucose sẽ làm tăng sự hấp thu ion Na+ từ lòng ruột vào trong máu gấp 3 lần so với khi không có mặt Glucose. Cơ chế hấp thu theo cặp của Na – Glucose là nguyên lý chính trong việc sử dụng Glucose trong thành phần của Oresol.
Do đó, khi bị mất nước, uống Oresol giúp làm tăng hấp thu Na+, kéo theo nước. Na+ được hấp thu theo cơ chế chủ động
4.3. Hướng dẫn sử dụng
Khi sử dụng chế phẩm Oresol để bù nước điện giải, người dùng cần đọc kỹ và làm theo các hướng dẫn sau để sử dụng một cách an toàn, hợp lý và hiệu quả. Dưới đây là phần thông tin hướng dẫn của nhà sản xuất.
4.3.1. Chỉ định
Phòng và điều trị mất điện giải và nước trong tiêu chảy cấp từ nhẹ đến vừa
4.3.2. Chống chỉ định – Lưu ý không sử dụng cho các trường hợp:
- Vô niệu hoặc giảm niệu
- Mất nước nặng kèm theo tình trạng sốc, hôn mê
- Tiêu chảy nặng (mất nước quá 30ml/kg thể trọng/giờ)
- Nôn nhiều và kéo dài
- Tắc ruột, thủng ruột, liệt ruột
4.3.3. Thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng
- Suy tim sung huyết, phù hoặc cơ thể có tình trạng giữ Natri
- Xơ gan hoặc suy thận nặng
4.3.4. Liều dùng:
Pha 1 gói (27,9g) với 1 lít nước đun sôi để nguội, dùng trong các trường hợp cụ thể sau:
Bù nước
- Mất nước nhẹ: ban đầu cho uống 50ml/kg, trong 4 – 6 giờ
- Mất nước vừa phải: ban đầu cho uống 100ml/kg, trong 4 – 6 giờ
Sau đó điều chỉnh liều dùng và thời gian dùng thuốc theo mức độ khát và khả năng bệnh nhân đáp ứng với điều trị
Trẻ em: cho uống từng thìa một, cho đến hết liều quy định. Không nên cho trẻ uống 1 lúc quá nhiều, có thể sẽ gây nôn
Duy trì nước
- Tiêu chảy liên tục nhẹ: Uống 100 – 200ml/kg/24 giờ, cho đến khi hết tiêu chảy
- Tiêu chảy liên tục nặng: Uống 15ml/kg/24 giờ, cho đến khi hết tiêu chảy
Liều giới hạn cho người lớn: tối đa 1.000ml/giờ
4.3.5. Tác dụng không mong muốn
- Thường gặp: có thể bị nôn trớ nhẹ
- Ít gặp: tăng Natri huyết, bù nước quá mức (mí mắt nặng)
- Hiếm gặp: suy tim do bù nước quá mức
4.3.6. Lưu ý khi sử dụng
Thuốc bù điện giải Oresol khá an toàn và lành tính, tuy nhiên chúng ta cũng càn chú ý một số vấn đề sau:
- Dung dịch sau khi pha chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ
- Không đồng thời uống hoặc ăn các thực phẩm có chứa nhiều các chất điện giải để tránh bổ sung quá mức chất điện giải vào cơ thể
- Khi quên dùng thuốc, tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn, không tự ý tăng liều để uống bù
- Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong quá trình sử dụng như: hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, phù mí mắt, phù toàn thân, suy tim, tăng huyết áp, sốt cao,….. cần ngưng sử dụng ngay và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất
- Trong quá trình điều trị, nên theo dõi cẩn thận nồng độ các chất điện giải và cân bằng acid – base (nếu có điều kiện)
- Đối với trẻ nhỏ đang bú mẹ, cần cho uống nước hoặc bú giữa các lần uống dung dịch để tránh tăng Natri huyết
5. Một số nguồn tự nhiên cung cấp chất điện giải
Trong thức ăn mà chúng ta ăn hàng ngày cũng có thể bổ sung một lượng nhỏ các chất điện giải cho cơ thể. Cụ thể:
- Nước dừa. Có ít đường và chứa nhiều chất điện giải, bao gồm: natri, kali, canxi, và magiê
- Sữa bò. Ngoài cung cấp các chất điện giải như natri, canxi, kali, sữa còn cung cấp nhiều protein và carbohydrat
- Nước ép hoa quả (dưa hấu, cam, quýt,…). Bên cạnh việc cung cấp điện giải cho cơ thể, nước ép các loại hoa quả còn cung cấp vitamin và các chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, loại nước này có hàm lượng natri thấp, nên bổ sung vài hạt muối khi sử dụng
- Nguồn thực phẩm giàu Natri: dầu oliu, dưa muối, bắp cải muối, socola,…
- Nguồn thực phẩm giàu Kali: chuối, mận, khoai lang, khoai tây,….
- Nguồn thực phẩm giàu Canxi: trứng, súp lơ, bông cải xanh,…
- Nguồn thực phẩm giàu Magiê: cá, các loại đậu, các loại hạt, các loại rau có màu xanh đậm (rau ngót, rau muối, rau cải xanh,…)
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp độc giả có được những thông tin hữu ích cho mình để có thể sử dụng nước điện giải an toàn và hiệu quả cho bản thân và gia đình.
Tài liệu tham khảo: