Halloween là lễ hội truyền thống của các nước phương Tây, thường được mọi người nhớ đến với những hình ảnh hóa trang đầy kinh dị, ma quái. Vậy lễ hội Halloween vào ngày nào? Có những hoạt động gì thú vị? Cha mẹ cần làm gì để chuẩn bị lễ Halloween đầy thú vị cho bé? Mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết sau.
Mục lục
1. Lễ hội Halloween là ngày nào?
Lễ Halloween (hay còn gọi là Lễ hội hóa trang) thường được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm. Đây là ngày lễ đặc trưng của các nước phương Tây, được biết tới với những hình ảnh ma quái, bí ngô, phù thủy,…
Từ “Halloween” theo nghĩa đen có nghĩa là buổi tối trước Ngày của các vị thánh (All Hallows’Eve). Trong ngày lễ này, mọi người sẽ trang trí nhà cửa thật rung rợn, ma quái và hóa trang thành những nhân vật như ma cà rồng, phù thủy, bộ xương…rồi cùng nhau vui chơi và tham gia nhiều hoạt động thú vị. Lễ hội này tạo cho chúng ta sự tò mò và vô cùng kích thích. Có lẽ vì vậy mà Halloween được mọi người nhiệt tình đón nhận và không còn xa lạ với thế hệ trẻ Việt Nam.
2. Nguồn gốc lễ hội hóa trang Halloween
Lễ hội Halloween bắt nguồn từ một ngày lễ cổ xưa của người Celtic – được biết tới với tên Samhain từ hơn 1900 năm trước ở Anh, Ireland và miền Bắc nước Pháp. Samhain là lễ kỷ niệm năm mới của người Celtic, diễn ra vào ngày 31 tháng 10 để tôn vinh mùa màng, đánh dấu sự kết thúc của mùa hè để chuyển sang mùa đông lạnh giá, tăm tối – thời điểm thường gắn liền với cái chết của con người. Người Celt cổ đại tin rằng vào ngày này, ranh giới giữa sự sống và cái chết bị xóa nhòa, những hồn ma từ cõi âm có thể đến thế giới của người sống để quấy nhiễu. Vì thế vào ngày 31/10, dân làng dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo như không có người sống. Sau đó họ hoá trang thành ma quỷ và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm vẻ hăm doạ để xua đuổi những hồn ma tìm thể xác.
Samhain vẫn được duy trì cho đến khi Thánh Patrick và các nhà truyền giáo Cơ đốc khác đến khu vực này. Khi người dân bắt đầu chuyển sang Cơ đốc giáo, ngày lễ mất dần tính phổ biến. Tuy nhiên, thay vì xóa bỏ các tập tục tà giáo như Samhain, thay vào đó, nhà thờ đã thay đổi ngày lễ này mang hơi hướng Cơ đốc giáo để đưa tà giáo và Cơ đốc giáo gần lại với nhau, giúp người dân địa phương dễ dàng chuyển đổi sang quốc giáo hơn. Vì vậy, vào thế kỷ thứ tám, Giáo hoàng Grêgôriô III đã dời ngày lễ Các Thánh Tử đạo (All Martyrs’ Day) từ ngày 13 tháng 5 sang ngày 1 tháng 11 và biến nó thành Ngày Các Thánh (All Saints’ Day hay All Hallows’Eve). Ngày Các Thánh bao gồm nhiều hoạt động của lễ Samhain, bao gồm đốt lửa, diễu hành và hóa trang. Kể từ đó, đêm trước Ngày Các Thánh (All Hallows’Eve) được tổ chức vào 31 tháng 10, ngày nay được biết với cái tên Halloween.
Cùng với phong trào di cư để tránh nạn thiếu khoai tây của người Ireland sang Mỹ những năm 1840, lễ hội Halloween được du nhập vào Mỹ. Trải qua thời gian, Halloween trở thành một lễ hội vui tươi, hấp dẫn, đặc biệt với các trẻ em trên khắp thế giới. Những trò chơi dân gian cũng được phổ biến và khiến mọi người đều thích thú. Ngày nay, nhiều gia đình Việt Nam cũng tổ chức ngày lễ độc đáo này cho con mình, đây là dịp để mọi người vui chơi và quây quần bên nhau.
3. Truyền thuyết gắn với lễ hội Halloween
Trong lễ Halloween, có một truyền thuyết thú vị được truyền tai nhau, đó là về anh chàng Jack hà tiện (Stingy Jack).
Truyện kể rằng, ngày xưa có một anh chàng tên là Jack, anh ta sống rất keo kiệt, bủn xỉn, mặc dù tư chất thông minh nhưng anh ta luôn dùng nó để kiếm lời và chưa bao giờ cứu giúp người gặp khó khăn. Một lần, Ác Quỷ đang đi dạo trên đường phố Ireland, tình cờ nghe được hai người đàn ông đang nói về Jack keo kiệt đã lừa hết tiền của họ, và cảm thán rằng “Anh ta chính là kẻ lừa bịp quỷ quái nhất thế gian này!”. Con Quỷ nghe được câu chuyện đó có chút ghen tỵ, nó quyết định đi tìm Jack keo kiệt.
Chẳng bao lâu sau, Ác Quỷ gặp Jack đang lang thang không có mục đích trên đường phố, hắn muốn chiếm đoạt linh hồn của Jack và đưa xuống địa ngục. Jack giả vờ khóc và yêu cầu được nhận một đặc ân cuối cùng trước khi rời khỏi thế gian này. “Làm ơn cho tôi được ăn trước khi chúng ta đi.” Stingy Jack than vãn. Con Quỷ đồng ý. Sau đó, Jack lừa con Quỷ trèo lên một cái cây to để hái quả, anh ta nhanh chóng vẽ cây thánh giá lên cây, khiến cho con quỷ không xuống được. Lần này, Stingy Jack mặc cả với Ác Quỷ, anh ta yêu cầu rằng Ác Quỷ sẽ không bao giờ đòi được linh hồn của anh ta, đổi lại con Quỷ có thể thoát khỏi cái cây đó. Con Qủy đồng ý và họ chia tay sau đó.
Không lâu sau, Jack qua đời. Sau khi chết, linh hồn của Jack không được thiên đàng tiếp nhận bởi khi còn sống, anh ta đã luôn lừa gạt và keo kiệt, chưa từng giúp mọi người. Linh hồn Jack cũng không được xuống Địa ngục, bởi lời hứa năm xưa của con Qủy với Jack. Jack lang thang trên trái đất, không nơi nương tựa.
4. Ý nghĩa lễ hội Halloween
Tại sao lễ hội Halloween được tổ chức?
Halloween không đơn thuần là ngày lễ vui chơi mà qua đó, ngày lễ này cũng mang những ý nghĩa sâu sắc:
5.1 Ý nghĩa giáo dục của lễ hội Halloween
Lễ Halloween gắn với một câu chuyện ngụ ngôn về việc “Sống không nên keo kiệt, bủn xỉn hay tham lam quá đà, nên từ bi, bác ái và giúp đỡ người gặp khó khăn”. Đồng thời, tối kị trêu đùa với ma quỷ, nên hiểu rằng, “ma quỷ” hiểu theo nghĩa bóng là những trò đe dọa, lừa lọc, khiến người khác sợ hãi và gây nguy hại đến người khác và cho cả xã hội. Chưa kể rằng, giao du với ma quỷ sẽ rất dễ bị cám dỗ, đi theo con đường tối tăm, tội lỗi.
5.2 Ý nghĩa nhân văn của lễ hội Halloween
Nếu đào sâu hơn, ta sẽ dễ dàng tìm thấy nét nhân văn trong câu chuyện và truyền thuyết về Halloween. Jack tuy chỉ là nhân vật tưởng tượng nhưng thật ra đó là sự ẩn dụ nhắm tới những hiện thân trong cuộc đời. Sau những sai lầm khi còn sống, Jack trở thành một cô hồn, không có chỗ dung thân.
Lễ hội truyền thống – Halloween đã dành cho Jack trọn vẹn một ngày để trở về với cõi dương. Trong ngày này, Jack có thể vui chơi thoải mái, vì người sống khi ấy đã hóa trang thành ma quỷ giúp linh hồn của Jack có chỗ trà trộn, xua đuổi sự cô đơn.
6. Trò chơi trong lễ hội Halloween
Halloween ra đời bắt nguồn từ niềm tin rằng, vào đêm cuối cùng của tháng 10 – tức là ngày 31/10, ranh giới giữa thế giới của người sống và người chết sẽ bị xóa nhòa, khi đó ma quỷ, phù thủy và linh hồn xấu xa có thể tự do lang thang trên trái đất. Chúng giở đủ trò xấu xa để quấy nhiễu, trêu chọc, khiến con người sợ hãi, gây tổn hại đến họ. Dường như, cách duy nhất để chúng ta thoát khỏi sự quấy nhiễu của ma quỷ là cung cấp cho chúng những món ăn ngon và đồ ngọt. Hoặc, để thoát khỏi cơn thịnh nộ của những sinh vật khủng khiếp này, con người có thể cải trang thành một trong số chúng, diễu hành khắp thôn xóm để đánh lừa ma quỷ, tránh bị chúng quấy rầy. Từ niềm tin đó, rất nhiều trò chơi đã được tổ chức vào đêm Halloween. Đó là:
6.1 Trò “Trick or treat”
Người Celtic tin rằng, vào đêm ngày 31 tháng 10, nhiều hồn ma sẽ đi lại để tìm kiếm đồ ăn và quấy nhiễu con người. Để tránh gặp phải phiền phức, khi hồn ma gõ cửa nhà nào thì gia chủ phải cung cấp thức ăn cho chúng. Từ ý tưởng này, trò “Trick or Treat” ra đời và được nhiều trẻ em phương Tây yêu thích. Vào đêm Halloween, trẻ em sẽ hóa trang rồi gõ cửa từng nhà và nói câu “trick or treat” – nghĩa là “Cho kẹo hay bị ghẹo”. Để tránh bị phiền toái, chủ nhà thường đãi chúng kẹo, bánh trái.
6.2 Trò “đớp táo”
Khi người Celtic bị người La Mã đánh chiếm, nhiều phong tục của người La Mã theo đó cũng du nhập vào đất Celtic, trong đó có lễ hội thờ nữ thần mùa màng Ponoma. Quả táo là một thứ hoa quả linh thiêng dùng để thờ cúng thần linh, do đó nhiều trò chơi có liên quan đến loại quả này xuất hiện trong lễ hội Samhain. Có thể kể đến như trò để quả táo vào chậu nước hoặc buộc trên cao, người chơi sẽ cố gắng cắn trái táo nhanh nhất để giành chiến thắng.
6.3 Lễ hội đèn lồng (đèn bí ngô Jack-O’-Lantern)
Lễ hội đèn lồng bắt nguồn từ truyền thuyết về Jack keo kiệt. Theo truyền thuyết kể lại, Jack là người nổi tiếng vì nghiện rượu, tư chất thông minh nhưng luôn dùng vào mánh khóe để lừa gạt mọi người. Bởi bản chất của mình mà khi chết đi, Jack không được Thiên Đàng hay Địa ngục đón nhận. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho ông trong đêm giá lạnh là ngọn nến leo lét trong củ cải thối. Để tránh gặp phải Jack, người dân Ireland bắt đầu làm những chiếc đèn bằng củ cải và đặt chúng ngoài cửa.
Trẻ em ở Ireland thường chơi trò đục khoét củ khoai tây và bí đao trong lễ Halloween. Nhưng khi di cư sang Mỹ, người ta phát hiện quả bí ngô sáng hơn bí đao nên sau này, đèn lồng ở Mỹ được trang trí bằng quả bí ngô có cục than hồng bên trong.
7. Những món ăn truyền thống của lễ hội Halloween
7.1 Bánh linh hồn
Bánh linh hồn là loại bánh truyền thống trong lễ Haloween, có nguồn gốc từ Anh. Bánh được làm như bánh quy có vị quế và trang trí nho khô thành hình chữ thập ở trên. Người ta cho rằng, mỗi chiếc bánh tượng trưng cho một linh hồn, mọi người thường tặng bánh để mong nhận được lời cầu nguyện cho người thân đã mất của họ. Để tạo nên sự đa dạng và tượng trưng cho ngày lễ ma quỷ, món ăn này cũng được trang trí với nhiều hình thù khác nhau như đầu lâu, nhện hay hình ma quỷ rùng rợn.
7.2 Boxty (bánh kếp khoai tây)
Boxty là món bánh kếp khoai tây truyền thống của người dân Ireland. Công thức làm bánh này cũng rất đơn giản và dễ thực hiện. Chúng ta cần có khoai tây nghiền, bột mì, có thể thêm bơ, sữa, trứng và nêm gia vị. Sau đó, chiên bánh cho hai mặt vàng đều, bánh có độ dày khoảng 0,5 – 1 cm và đường kính khoảng 7 – 8 cm tùy theo sở thích của mỗi người. Chúng ta có thể ăn bánh kèm với thịt xông khói hoặc mật ong / siro lá phong.
7.3 Colcannon
Colcannon là món ăn truyền thống của người dân Ireland. Món ăn này được tạo nên bằng cách trộn khoai tây nghiền với rau cải xoăn hoặc bắp cải và sữa tươi, thêm chút gia vị cho vừa miệng. Bên cạnh đó cũng có một trò chơi thú vị gắn với món ăn này, người chế biến sẽ bí mật bỏ đồng xu hoặc chiếc “bùa” nhỏ bên trong món ăn. Nếu phát hiện ra một đồng xu thì người đó sẽ có nhiều may mắn trong thời gian tới. Còn tìm thấy lá “bùa” trong Colcanon thì lá bùa đó sẽ dự đoán số phận tương lai của người chơi.
7.4 Barnbrack
Barnbrack cũng được biết đến là món ăn yêu thích của người dân Ireland. Thực chất đây là bánh bông lan có thêm nho khô. Cũng như Colcannon, bánh Barnbrack ẩn chứa những điều thú vị, trong đó chứa những lá bùa dự đoán tương lai. Người làm bánh có thể giấu trong đó hạt đậu, một mảnh vải, một đồng xu hoặc một chiếc nhẫn. Nếu tìm thấy chiếc nhẫn thì rất có thể năm nay bạn sẽ kết hôn. Tìm thấy hạt đậu nghĩa là bạn sẽ không kết hôn. Tiền xu là biểu tượng cho sự may mắn về tiền bạc. Ngược lại, miếng vải tượng trưng cho sự khó khăn về tài chính. Dù sao thì đây cũng chỉ là trò chơi đem lại sự vui vẻ cho mọi người, chúng ta cũng không nên quá lo lắng nếu bốc phải thứ không như mong muốn của mình.
7.5 Súp bí đỏ lồng đèn
Trong ngày Halloween không thể thiếu món ăn đặc biệt là súp bí đỏ nấu với thịt bò hoặc thịt cừu. Bí đỏ là loại quả đặc trưng cho lễ hội Halloween. Sau khi nấu súp xong, người ta sẽ đổ súp vào những quả bí đỏ đã khoét lõi để trang trí. Vào cuối tháng 10 – khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, súp bí đỏ nghi ngút khói luôn là một sự lựa chọn tuyệt vời.
7.6 Kẹo táo
Một trong những phong tục đặc biệt của ngày Halloween là phát kẹo cho trẻ em. Vì vậy, người ta làm ra những chiếc kẹo táo óng ánh, đẹp mắt để thu hút trẻ nhỏ. Loại kẹo này được làm từ táo được phủ lên một lớp đường, siro bóng loáng, thêm socola hay đậu phộng.
Ngoài các món ăn truyền thống trong lễ Halloween ở trên, người ta còn chế biến khá nhiều món ăn khác với tên gọi vô cùng thú vị như bánh chanh ma quái, bánh pudding nghĩa địa, góa phụ đen…Tất cả các món ăn đều khá đặc biệt và góp phần tạo nên ngày lễ Halloween vui vẻ cho tất cả mọi người.
Xem thêm: Cách tăng IQ cho trẻ mỗi ngày
8. Cần chuẩn bị gì cho lễ hội Halloween của bé?
Halloween thường gắn với hình ảnh đầy kinh dị, với máu me. Tuy nhiên, những hình ảnh này thực tế không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần tổ chức lễ Halloween thật lành mạnh nhưng cũng đầy thú vị để các bé vui vẻ tham gia. Sau đây là những điều chúng ta cần chuẩn bị:
8.1 Trang phục hóa trang Halloween – Halloween costumHoase
Hóa trang là nghi thức truyền thống trong đêm Halloween. Các bố mẹ hẳn là đã quá quen thuộc với mùa Halloween rồi. Trong ngày ấy, tất cả mọi người sẽ tự hóa trang thành người khác và phần nhiều là một số vai xấu xí, kinh dị… Với trẻ nhỏ, mẹ tha hồ lựa chọn trang phục hóa trang Halloween đáng yêu và xinh tươi cho bé:
Hóa trang Halloween cho bé gái
Các gợi ý hóa trang cho bé gái:
- Hóa trang thành ma vô diện
- Hóa trang với trang phục hình bí ngô Halloween
- Hóa trang thành phù thủy…
- Trang phục công chúa điệu đà: Chắc hẳn các bé gái nhà bạn đã quá quen thuộc với bộ phim hoạt hình về những nàng công chúa nổi tiếng như Cinderella, Elsa, Anna,…Hãy để bé hóa thân thành những nàng công chúa xinh đẹp nằng trong đêm Halloween nhé.
- Trang phục hướng nghiệp như cao bồi, bác sĩ, kĩ sư…
- Hóa trang thành các con vật ngộ nghĩnh
Hóa trang Halloween cho bé trai
Tham khảo trang phục hóa trang Halloween cho bé trai:
- Trang phục ma vô diện
- Trang phục hình bí ngô Halloween,
- Trang phục cao bồi, bác sĩ, kĩ sư…
- Trang phục siêu anh hùng như siêu nhân, người nhện. Đây là trang phục hóa trang Halloween được các bé trai rất yêu thích.
8.2 Trò chơi trong đêm Halloween – Halloween game
- Trick or treat hay “Cho kẹo hay bị ghẹo”: Vào đêm Halloween, các bé sẽ gõ cửa từng nhà và nói câu “cho kẹo hay bị ghẹo”. Thông thường, các bé sẽ được chủ nhà cho kẹo, bánh nếu không muốn bị trêu trọc bởi lũ trẻ.
- Đố vui về Halloween: các mẹ sẽ sưu tầm câu hỏi liên quan đến Halloween và đố trẻ. Đừng quên là dành cho bé những phần quà sau mỗi câu trả lời nhé!
- Săn tìm kho báu: đây là trò chơi mà người lớn hay trẻ con đều rất thích thú bởi nó sẽ vô cùng bí ẩn, tạo được sự tò mò của mọi người. Trong trò chơi này, cha mẹ hãy viết sẵn ra những câu chỉ dẫn vào các thẻ và yêu cầu bé đi tìm. Các chỉ dẫn trước đó sẽ là đầu mối để bé tìm được những gợi ý tiếp theo. Cứ như vậy cho đến khi bé tìm được “kho báu” của trò chơi.
- Tìm kiếm từ tiếng anh: Đây là một trò chơi thú vị vừa tạo sự thích thú vừa kiểm tra được vốn từ tiếng anh của bé. Trong trò chơi này, chúng ta sẽ có bảng những chữ cái tiếng anh từ A đến Z, được sắp xếp lộn xộn. Sau đó, bé sẽ tìm các chữ cái liền nhau có thể ghép được thành một từ có nghĩa. Một số đáp án có thể là từ: “Halloween, pumpkin, ghost, costume, candy, zombie, scare, monster, vampire…”.
8.4 Trang trí lễ hội Halloween – Halloween Decor
- Bí ngô Halloween (Halloween pumpkin): đây là biểu tượng của ngày lễ Halloween. Chúng ta có thể cùng bé làm chiếc đèn lồng Jack-O’-Lantern. Tuy nhiên, ở Việt nam, chúng ta khó có những quả bí ngô như ở Mỹ để làm một chiếc đèn lồng thật, mẹ có thể mua ở những cửa hàng trang trí hoặc tự làm bằng các vật liệu khác như nhựa, tre, nứa…
- Khung cảnh của ngày lễ Halloween cũng nên có mạng nhện, phù thủy với tông màu đen trắng có chút ma mị để bé hứng thú nhưng vẫn đảm bảo rằng bé không quá sợ hãi.
Một số trang trí Halloween đẹp mắt có thể tham khảo:
8.5 Halloween Movies – Những bộ phim bé có thể xem vào ngày Halloween
Cô bé Coraline
Đây là bộ phim của đạo diễn Henry Selick, được phát hành vào năm 2009. Phim thuộc thể loại phim hoạt hình. Nội dung của phim được viết theo tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng của nhà văn Neil Gaiman – người viết nên tiểu thuyết Alice ở xứ sở thần tiên. Phim kể về câu chuyện của cô bé Coraline, cô bé rất buồn khi phải chuyển đến ngôi nhà mớ, nơi mà không có những người bạn bè thân thiết trước đây. Một ngày nọ, cô bé thấy một cánh cửa trên bức tường kì lạ, cánh cửa đó thông sang một thế giới khác. Khi Coraline bước vào đó, cô được chào đón nồng nhiệt. Nhưng mọi người nơi đây lại không muốn cô bé trở về thế giới cũ, họ tìm mọi cách để cô phải ở lại thế giới bí mật này. Bộ phim này phù hợp với trẻ em từ 9 tuổi trở lên.
Pooh’s Heffalump Haloween Movie – Chuyện của chú gấu Pooh
Đây là bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hai đạo diễn Saul Andrew Blinkoff và Elliot M. Bour được phát hành vào năm 2006. Nội dung phim kể về một điều gì đó kì lạ đang diễn ra trong cánh rừng nơi chú gấu Pooh và những người bạn sinh sống. Một hôm xuất hiện một con quái vật kì lạ tên là Heffalump, đi đến đâu là con quái vật làm rung chuyển đến đó. Vậy Pooh và những người bạn sẽ giải quyết việc này thế nào. Các bạn hãy xem phim để biết kết quả nhé! Bộ phim này phù hợp với trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Beetlejuice – Ngôi nhà ma ám
Đây là một bộ phim hài hước của đạo diễn Tim Burton được phát hành vào ngày 29 tháng 3 năm 1988. Nội dung phim xoay quanh cặp vợ chồng Adam và Barbara. Họ đang có một cuộc sống hạnh phúc thì cái chết ập đến với họ. Sau đó có một cặp vợ chồng khác chuyển đến ngôi nhà của họ. Hồn ma của hai vợ chồng Adam và Barbara luôn tìm cách xua đuổi cặp vợ chồng mới đến. Cặp vợ chồng mới nhờ một ông pháp sư đến để trừ tà nhưng lại gây ra nhiều phiền phức cho họ. Phim phù hợp với trẻ em có độ tuổi từ 6 tuổi trở lên.
Casper – Con ma thân thiện
Bộ phim thuộc thể loại hài hước của đạo diễn Brad Silberling được phát hành năm 1995. Nội dung phim kể về cô gái tên là Carrigan Crittenden, người luôn lo lắng rằng sau khi chết, ba của mình sẽ chỉ để lại cho một căn nhà tối tăm, đổ nát. Một hôm, cô ta phát hiện ra một tấm bản đồ kho báu, lần theo bản đồ, cô ấy đến một căn nhà nhưng bị những con ma ở đó làm khiếp sợ. Quyết tâm tìm bằng được kho báu, cô ta thuê một giáo sư tên Harvey để giúp đỡ. Phim dành cho trẻ em trên 6 tuổi.
Một số thông tin về ngày lễ Halloween – Câu chuyện lễ hội Halloween mà có lẽ nhiều người chưa biết đến:
TỔNG KẾT
Cho tới ngày nay, lễ hội Haloween là không còn xa lạ với nhiều nước phương Đông, được giới trẻ trên khắp thế giới đón nhận. Trong lễ hội Haloween, chúng ta sẽ hóa trang thành những nhân vật đầy kinh dị và tham gia vào những hoạt động thú vị như: trò chơi “Trick or Treat”, trò “đớp táo” hay lễ hội đèn lồng… Với trẻ em, phụ huynh có thay đổi đôi chút về trang phục, trò chơi, đồng thời cho bé xem những bộ phim phù hợp hơn với lứa tuổi của trẻ. Mong rằng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo: history.com
>> Bên cạnh việc đón 1 lễ hội Halloween vui vẻ, thú vị cùng các con, đừng quên bổ sung lợi khuẩn cho bé tiêu hóa khỏe, giảm thiểu nguy cơ mất cân bằng hệ vi sinh, hấp thu tốt dưỡng chất