Kể từ khi phát hiện ra kháng sinh Penicilline tới nay, hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh và đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, đã cứu sống hàng triệu triệu người khỏi các bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên không phải loại kháng sinh nào cũng hiệu quả, an toàn cho đối tượng trẻ em. Vì vậy bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn sử dụng kháng sinh cho trẻ em trong điều trị một số nhiễm khuẩn thông thường.
Mục lục
1. Thuốc kháng sinh là gì?
Kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt không những hiệu quả trong điều trị các nhiễm trùng đe dọa tính mạng con người mà còn giúp phòng ngừa các biến chứng nhiễm trùng từ các can thiệp y tế và phẫu thuật thông thường. Vì thế việc sử dụng kháng sinh vừa ảnh hưởng tới người bệnh vừa ảnh hưởng tới cộng đồng. Với những nước đang phát triển và nằm trong khu vực nhiệt đới như Việt Nam, đây là một nhóm thuốc quan trọng vì bệnh lý nhiễm khuẩn nằm trong số những bệnh đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.
Theo Bộ Y tế (2015), kháng sinh được định nghĩa:
“Kháng sinh (antibiotics) là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, Actinomycetes), có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác.”
Hiện nay từ “kháng sinh” được mở rộng đến cả những chất kháng khuẩn có nguồn gốc tổng hợp như các sulfonamid và quinolon.
2. Các nhóm thuốc kháng sinh sử dụng cho trẻ em
Từ khi Penicillin được phát hiện, có rất nhiều nhóm kháng sinh được tìm thấy hoặc tổng hợp. Tuy nhiên, không phải kháng sinh nào áp dụng được cho người lớn cũng có thể chỉ định cho trẻ em. Dưới đây các nhóm kháng sinh được phép chỉ định, kê đơn cho trẻ em hiện nay:
2.1. Nhóm beta-lactam
Đại diện trong nhóm kháng sinh này có:
- Amoxicilin (biệt dược Amoxil dạng hỗn dịch)
- Cephalexin (biệt dược Keflex dạng hỗn dịch, hoặc viên nén)
- …
Đây là họ kháng sinh rất lớn, bao gồm các kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng lactam. Khi vòng này liên kết với một cấu trúc vòng khác sẽ hình thành các phân nhóm lớn tiếp theo:
- Nhóm penicilin
- Nhóm cephalosporin
- các beta-lactam khác.
Đây là nhóm kháng sinh tương đối an toàn và được sử dụng đầu tay trong điều trị nhiễm khuẩn ở trẻ.
Nhờ có khung lactam, nhóm kháng sinh này có khả năng ngăn cản sinh tổng hợp lớp peptidoglycan nên không tạo được vách vi khuẩn. Tế bào con sinh ra không có vách, vừa không sinh sản được vừa dễ bị tiêu diệt hoặc bị li giải, đặc biệt ở vi khuẩn Gram-dương.
Vì vậy, phổ của nhóm kháng sinh này rất rộng, đa số vi khuẩn các vi khuẩn có vách: các vi khuẩn Gram dương như tụ cầu Staphylococcus, liên cầu Streptococcus, phế cầu Pneumococcus,… Tuy nhiên, với sự phát triển của nhóm Cephalosporin, phổ của nhóm kháng sinh này cũng được mở rộng trên một số loại vi khuẩn Gram âm.
Chỉ định: Nhóm kháng sinh này thường được chỉ định trong các bệnh nhiễm khuẩn thông thường như nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng, nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh dục, da,…
2.2. Nhóm Macrolid
Đại diện cho nhóm này trên thị trường có:
- Clarithromycin (biệt dược Klacid 125mg/5ml dạng cốm pha hỗn dịch uống)
- Azithromycin (biệt dược Azihasan dạng viên nang).
Đây cũng là một nhóm kháng sinh an toàn cho trẻ nhỏ. Các macrolid có thể là sản phẩm tự nhiên phân lập từ môi trường nuôi cấy các chủng vi sinh, cũng có thể là các kháng sinh bán tổng hợp.
Với cơ chế ức chế tổng hợp protein của tế bào vi khuẩn do gắn vào phần 50S của ribosome, ngăn cản phản ứng chuyển vị, Macrolid tác dụng chủ yếu lên vi khuẩn Gram dương, một số ít vi khuẩn Gram âm tương tự penicilin.
Chỉ định: Nhóm kháng này thường được chỉ định trong trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp, da, mô mềm, hệ tiết niệu – sinh dục,…
2.3. Nhóm Co – trimoxazol
Đây là kháng sinh hỗn hợp gồm:
- Trimethoprim và Sulfamethoxazol
- Với biệt dược nổi tiếng: Biseptol (dạng hỗn dịch uống cho trẻ em).
Sự phối hợp này tạo tác dụng hiệp đồng tăng cường làm tăng hiệu quả điều trị và giảm kháng thuốc.
Với khả năng ức chế acid folic – một chất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của vi khuẩn – làm vi khuẩn bị tiêu diệt, Co-trimoxazol có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng lên nhiều vi khuẩn ưa khí gram âm và dương bao gồm: Staphylococcus, Streptococcus, E.Coli,…
Chỉ định: Loại kháng sinh này hay được chỉ định để điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh dục, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
2.4. Nhóm Aminosid
Các Aminosid có thể là sản phẩm tự nhiên phân lập từ môi trường nuôi cấy các chủng vi sinh, cũng có thể là các kháng sinh bán tổng hợp.
Hiện tại trên thị trường, với trẻ em, aminosid hay được sử dụng
- Gentamicin (dạng tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp trong phác đồ điều trị viêm phổi)
- Amikacin (biệt dược Amikacin Sulfat dùng tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp),…
Nhờ khả năng biến dạng Ribosome và tác động đến quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, các kháng sinh nhóm Aminoglycosid có phổ kháng khuẩn chủ yếu tập trung trên trực khuẩn Gram-âm.
Chỉ định: Vì vậy nhóm kháng sinh này thường được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn gram âm mắc phải tại bệnh viện như nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não,…
Lưu ý: Tuy nhiên, so với đối tượng người lớn, khả năng phân bố và tích lũy thuốc của trẻ em rộng hơn, nên việc sử dụng nhóm thuốc này ở trẻ em cũng phải thận trọng và cân nhắc giữa lợi ích/rủi ro, nhất là với trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh.
2.5. Nhóm peptid
Các kháng sinh thuộc nhóm này có cấu trúc hóa học là các peptid, tiêu biểu trên lâm sàng có:
- Vancomycin (Vancocin viên nang),
- Colistin,
- …
Tùy từng loại, kháng sinh nhóm này có thể ức chế sinh tổng hợp vách tế bào vi khuẩn giống nhóm beta-lactam như vancomycin hoặc gây rối loạn chức năng màng bào tương làm các ion bên trong tế bào bị thoát ra ngoài và nước từ bên ngoài ào ạt vào trong, dẫn tới chết như polymyxin B, colistin.
Cũng giống nhóm aminosid, vì khả năng phân bố và tích lũy thuốc của trẻ em lớn, nên việc sử dụng nhóm thuốc này ở trẻ em cũng phải thận trọng, đặc biệt với trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh
3. Lưu ý sử dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ đúng cách
Việc lạm dụng kháng sinh và sử dụng không đúng liều lượng kháng sinh có thể gây ra các tác hại khôn lường cho sức khỏe của trẻ. Để ngăn ngừa tình trạng này, khi trẻ được kê đơn có kháng sinh, cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
- Sử dụng khi: Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn
- Đúng thuốc – liều – thời điểm sử dụng: Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định. Đúng ở đây là đúng cả loại thuốc, liều và thời điểm sử dụng theo chỉ định trong đơn hoặc nhãn được nhà sản xuất khuyến cáo.
- Tuân thủ đúng thời gian điều trị: Điều này có nghĩa là nếu bác sĩ nhi khoa của bạn kê đơn dùng thuốc trong 10 ngày, hãy đảm bảo con bạn dùng thuốc trong 10 ngày đầy đủ, ngay cả khi trước đó bé đã cảm thấy tốt hơn.
(Nếu ngừng dùng thuốc sớm, một số vi khuẩn chưa tiêu diệt hết có thể ở lại trong cơ thể của bé và tiếp tục sinh sôi. Điều này có thể gây ra nhiễm trùng khác hoặc gây ra tình trạng kháng thuốc. Với một số bệnh, nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị dứt điểm, có thể tiến triển thành các biến chứng)
- Không tự sử dụng bừa bãi: Không được đưa thuốc kháng sinh của trẻ này cho trẻ khác uống hoặc thuốc còn dư từ đợt điều trị bệnh trước đó. Thuốc kháng sinh còn sót lại của bạn có thể không đúng với tình trạng bạn đang điều trị, nó có thể đã hết hạn hoặc không đủ liều. Điều này có thể gây ra tình trạng kháng thuốc và kéo dài, thậm chí nghiêm trọng tình trạng bệnh.
- Tái khám sau sử dụng hết liều: Hãy hỏi bác sĩ xem bé có nên đi khám lại sau khi uống hết các loại thuốc kháng sinh được kê đơn hay không. Đôi khi, trong trường hợp nhiễm trùng tai, bác sĩ nhi khoa có thể muốn kiểm tra lại tai của trẻ để đảm bảo rằng tất cả dịch mủ đã hết.
- Thông báo hiệu quả điều trị cho bác sĩ: Nếu bé không thuyên giảm sau khi dùng đủ liều thuốc kháng sinh, hãy thông báo cho bác sĩ nhi khoa biết. Nhiễm khuẩn của trẻ có thể do vi khuẩn kháng thuốc mà trẻ đã uống. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể quyết định thử một loại kháng sinh khác.
Xem thêm: Tác hại khi sử dụng kháng sinh không đúng cách cho trẻ
4. Các thuốc kháng sinh không khuyến cáo dùng cho trẻ
Vì những khác biệt về sinh lý ở trẻ nhỏ nên dược động học của kháng sinh sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, kháng sinh là một trong số những nhóm thuốc có nguy cơ gây dị ứng rất cao, do đó một số kháng sinh dưới đây không khuyến cáo dùng cho trẻ:
4.1. Nhóm Cyclin:
Các thuốc nhóm này gồm các kháng sinh tự nhiên và kháng sinh bán tổng hợp, như:
- Chlortetracyclin
- Oxytetracyclin
- Demeclocyclin
- Methacyclin
- Doxycyclin
- Minocyclin.
Tác dụng không mong muốn đặc trưng của nhóm thuốc này là gắn mạnh vào xương và răng, gây chậm phát triển ở trẻ em, hỏng răng, biến màu răng; thường gặp với trẻ dưới 8 tuổi hoặc do người mẹ dùng trong thời kỳ mang thai.
Ngoài ra còn tác dụng trên đường tiêu hoá gây kích ứng, loét thực quản (nếu bị đọng thuốc tại đây), đau bụng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy… hay gặp khi dùng đường uống.
Độc tính trên thận hoặc trên gan, gây suy thận hoặc viêm gan, ứ mật. Tăng áp lực nội sọ có thể gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt nếu dùng phối hợp với vitamin A liều cao.
Vì vậy, nhóm cyclin được chống chỉ định với trẻ dưới 9 tuổi, phụ nữ mang thai nhất là ba tháng cuối thai kỳ và phụ nữ cho con bú.
4.2. Nhóm Phenicol:
Hiện kháng sinh này ít được sử dụng do nguy cơ gây ra các tác dụng không mong muốn ở mọi liều. Hai kháng sinh đại diện của nhóm hiện nay còn sử dụng:
- Cloramphenicol
- Thiamphenicol
Tác dụng không mong muốn của nhóm này thường nặng và nguy hiểm hơn các kháng sinh khác, đặc biệt hội chứng xanh xám “Grey baby syndrom” gây tím tái, truỵ mạch và có thể tử vong thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ non.
Nguyên nhân là do trẻ thiếu men chuyển hóa thuốc ở gan, đồng thời chức năng thận chưa hoàn chỉnh nên chậm thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể. Kết quả là thuốc tích lũy và gây độc cho cơ thể.
4.3. Nhóm quinolon:
Đây là nhóm kháng sinh không có nguồn gốc tự nhiên, toàn bộ được sản xuất bằng tổng hợp hóa học, với các đại diện tiêu biểu như:
- Ofloxacin
- Perfloxacin,
- …
Với khả năng ức chế tổng hợp ADN – vật chất di truyền của vi khuẩn, chỉ định của nhóm kháng sinh này, quinolon có phổ tác dụng trên các vi khuẩn ưa khí gram âm trong nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh dục,…
Nhưng tác dụng không mong muốn đặc trưng của nhóm là viêm gân, đứt gân Achile, biến dạng sụn tiếp hợp đã gặp trên trẻ em. Vì thế, nhóm thuốc này chống chỉ định cho trẻ em dưới 18 tuổi.
4.4. Nhóm sulfamid:
Vì khả năng gắn của thuốc và protein huyết tương cao, nên thuốc sẽ cạnh tranh bilirubin – một sắc tố được sinh ra trong quá trình phân hủy hồng cầu – làm tăng nồng độ bilirubin trong máu. Nếu lượng bilirubin quá cao có thể gây vàng da, nguy hiểm hơn là vàng da nhân não gây tử vong. Vì vầy cần lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc này với những đỗi tượng chưa hoàn thiện chức năng gan như trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non.
Xem thêm: Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
5. Phòng và phục hồi rối loạn tiêu hóa do sử dụng kháng sinh ở trẻ
Với phổ tác dụng đã được nghiên cứu, kháng sinh được chỉ định trong điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra, bao gồm cả kháng sinh đường uống và đường tiêm. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh đặc biệt trong thời gian dài, có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, phổ biến nhất là rối loạn tiêu hóa, trong đó điển hình là tiêu chảy.
Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc kháng sinh đã tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn có lợi trong cơ thể, đặc biệt là các lợi khuẩn trong đường ruột. Khi lợi khuẩn bị tiêu diệt sẽ dẫn đến mất cân bằng đường ruột và gây rối loạn tiêu hóa, nhất là đối với trẻ nhỏ, khi hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi sử dụng kháng sinh thường nhẹ và tự khỏi khi trẻ ngừng điều trị kháng sinh, nên cha mẹ không nên tự ý dừng thuốc khi chưa kết thúc đợt điều trị.
Để dự phòng và điều trị rối loạn tiêu hóa trong thời gian dùng thuốc, cha mẹ có thể:
- Cung cấp đủ nước và điện giải cho trẻ để tránh xảy ra tình trạng mất cân bằng điện giải, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
- Cho trẻ bú sữa với trẻ đang thời kỳ bú mẹ, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt. Hạn chế cho trẻ ăn các đồ ăn cay, nóng, gây khó tiêu, đầy hơi.
- Bổ sung các men vi sinh, lợi khuẩn đường ruột để lập lại cân bằng đường ruột.
- Cho trẻ ăn các thức ăn lên men có chứa lợi khuẩn như sữa chua, …
Xem thêm: Imiale giúp phòng và giảm tác dụng phụ của kháng sinh
Vậy là thông qua bài viết này, chắc cha mẹ đã hiểu hơn về vấn đề dùng kháng sinh cho trẻ em. Việc sử dụng kháng sinh trên người lớn đã khó, trên đối tượng trẻ em còn khó hơn. Tùy từng loại bệnh, thời điểm của trẻ, có những kháng sinh sẽ được chỉ định hoặc chống chỉ định. Hãy tìm hiểu thật kỹ, lắng nghe tư vấn của bác sĩ hoặc liên hệ theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482. trước khi dùng bất kỳ loại kháng sinh nào để sức khỏe bé luôn an toàn nhé!