Táo bón đem lại nhiều cảm giác khó chịu, đầy chướng bụng cho trẻ nhỏ và người lớn. Để cải thiện nhanh chóng tình trạng này có thể sử dụng ngay các dòng thuốc trị táo bón nhuận tràng thẩm thấu. Forlax với hoạt chất chính Macrogol là một biệt dược nổi tiếng với khả năng giúp cải thiện táo bón nhờ đặc tính hút nước mạnh. Cùng xem bài viết dưới đây để được hướng dẫn cách sử dụng Forlax (Macrogol) an toàn, đúng cách, hiệu quả cao, tránh tác dụng không mong muốn.
Mục lục
- 1. Forlax (macrogol) là thuốc gì?
- 2. Công dụng của Forlax (macrogol)
- 3. Cơ chế của Forlax (macrogol)
- 3. Đối tượng sử dụng Forlax (macrogol)
- 4. Liều dùng, cách dùng Forlax (macrogol) cho từng đối tượng
- 5. Tác dụng không mong muốn
- 6. Chống chỉ định
- 7. Sử dụng Forlax( macrogol) cho trẻ nhỏ như thế nào?
- 8. Lưu ý chung khi sử dụng
- 9. Một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng Forlax (macrogol)
- 10. Các biện pháp khác hỗ trợ điều trị táo bón cho trẻ nhỏ.
1. Forlax (macrogol) là thuốc gì?
Thành phần chính được sử dụng trong Forlax là Macrogol 4000, là thuốc bột màu trắng dùng để pha thành dung dịch uống. Cùng đó là sự phối hợp của các tá dược và hương liệu giúp cho thuốc dễ sử dụng hơn.
- Hàm lượng của macrogol trong mỗi gói forlax là 10/10,167gam.
- Thuốc được bào chế ở dạng bột mịn, màu trắng.
- Hạn sử dụng thuốc: 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
2. Công dụng của Forlax (macrogol)
Forlax được biết đến trên thị trường là một thuốc có tác dụng nhuận tràng thẩm thấu: kéo nước vào lòng đại tràng giúp cho phân mềm ra và dễ dàng tống đẩy đẩy ra ngoài.
Thuốc được sử dụng trong điều trị táo bón ở người lớn và trẻ em trên 8 tuổi.
Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cần thiết lập thói quen sống lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ. Cùng đó, mẹ cần xây dựng dựng cho trẻ một chế độ ăn hợp lý để phòng ngừa và điều trị táo bón.
Trẻ chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian 3 tháng. Nếu sau thời gian đó, bệnh táo bón vẫn còn tiếp diễn, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra, xác định và điều trị nguyên nhân gây ra bệnh.
3. Cơ chế của Forlax (macrogol)
3.1. Dược động học
Thuốc Forlax được sử dụng qua đường uống dưới dạng dung dịch. Thuốc không trải qua quá trình hấp thu hay chuyển hóa trong cơ thể.
3.2. Dược lực học.
Macrogol là một chuỗi polyme các mạch thẳng dài với trọng lượng các phân tử lớn tới 4000. Các chuỗi cao phân tử này có khả năng giữ nước nhờ các liên kết hydro kết nối. Dung dịch tạo thành không được hấp thu tại ruột. Nhờ đó, thuốc có tác dụng nhuận tràng, làm tăng thể tích dung dịch tại lòng ruột, giúp phân được mềm ra và nhanh chóng được đưa ra ngoài nhờ các nhu động, cải thiện tình trạng táo bón.
3. Đối tượng sử dụng Forlax (macrogol)
Thuốc Forlax sử dụng được cho các đối tượng:
- Người lớn.
- Trẻ em từ 8 tuổi trở lên
4. Liều dùng, cách dùng Forlax (macrogol) cho từng đối tượng
4.1. Cách dùng Forlax (macrogol)
Thuốc được sử dụng bằng cách:
- Hòa tan một túi với khoảng 125ml nước.
- Sau đó uống trực tiếp qua miệng.
Nếu bệnh nhân chỉ cần sử dụng liều duy nhất trong ngày thì thời điểm tốt nhất để sử dụng là vào buổi sáng.
Hiệu quả điều trị táo bón đạt được phản ánh thể hiện rõ trong vòng 24 đến 48 giờ.
Khi tình trạng táo bón được cải thiện, bệnh nhân muốn ngừng thuốc lúc này không được ngừng ngay lập tức mà phải giảm liều dần dần.
4.2. Liều dùng Forlax
Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo liều lượng bác sĩ đã kê. Trong quá trình sử dụng, nếu có gặp bất kỳ triệu chứng lạ cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.
Liều lượng sử dụng đối với mỗi bệnh nhân là khác nhau: có thể dao động từ 1-2 gói tùy vào sự đáp ứng thuốc của mỗi người khi sử dụng.
Đối với trẻ em, thời gian sử dụng thuốc không được quá 3 tháng.
5. Tác dụng không mong muốn
Bên cạnh tác dụng điều trị táo bón, thuốc vẫn có những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra:
- Đối với người lớn: Theo như nghiên cứu được thử nghiệm lâm sàng trên 600 bệnh nhân, phản ứng tác dụng phụ được phản ánh như sau:
Rất hiếm gặp các trường hợp quá mẫn với các biểu hiện ngứa, phát ban, nổi mề đay, phù hay sốc phản vệ trên hệ miễn dịch.
Với hệ tiêu hóa, người bệnh hay gặp các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn và buồn nôn. Ngoài ra, ở một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng nôn và tiêu chảy không kiểm soát gây nên mất nước, mất điện giải trong cơ thể.
- Đối với trẻ em: Theo nghiên cứu được thử nghiệm lâm sàng trên 147 trẻ em từ 6 tháng đến 15 tuổi cho thấy:
Trẻ thường gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy và đau bụng. Cùng đó là số ít trường hợp bị chướng bụng, nôn và buồn nôn. Không có trường hợp nào có phản ứng quá mẫn với thuốc.
6. Chống chỉ định
Thuốc Forlax được chống chỉ định trong các trường hợp:
- Người có phản ứng quá mẫn, dị ứng với thành phần của thuốc.
- Người đang gặp các tình trạng viêm đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, bệnh crohn, thủng dạ dày,…
- Các bệnh nhân nghi ngờ táo bón do tắc ruột và bị đau bụng không rõ nguyên nhân.
Nếu người bệnh đang gặp một số trường hợp viêm đại tràng như trên, thuốc làm tăng tính thấm tại ruột non từ đó làm tăng tình trạng viêm. Ngoài ra với trường hợp tắc ruột, thuốc kéo nước nhiều còn có thể gây vỡ ruột.
7. Sử dụng Forlax( macrogol) cho trẻ nhỏ như thế nào?
Thuốc được chỉ định với trẻ nhỏ trên 8 tuổi.
Thời gian sử dụng không được quá 3 tháng. Tránh sử dụng thuốc quá lâu do việc này có thể gây ảnh hưởng đến sự tự chủ trong quá trình bài tiết phân của trẻ.
Để cải thiện tốt nhất tình trạng táo bón cho trẻ, mẹ nên sử dụng thuốc Forlax phối hợp với chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày và tập luyện thói quen đi vệ sinh cho trẻ.
Tránh xa thuốc khỏi tầm với của trẻ .
8. Lưu ý chung khi sử dụng
8.1. Tương tác thuốc.
Không nên phối hợp sử dụng thuốc với các thuốc điều trị động kinh, digoxin hay thuốc ức chế miễn dịch. Sự phối hợp này có thể gây ra giảm hiệu quả của thuốc trong quá trình điều trị bệnh.
8.2. Đối với phụ nữ có thai và cho con bú
Trên thực nghiệm lâm sàng thuốc được sử dụng cho 300 phụ nữ có thai cho thấy không có trường hợp nào xảy ra các phản ứng phụ hay ảnh hưởng tới thai nhi. Cùng đó, sự phơi nhiễm toàn thân của thuốc với phụ nữ có thai và cho con bú là không đáng kể. Vì vậy, thuốc không gây ảnh hưởng đến sữa mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Do đó, thuốc Forlax được sử dụng cho đối tượng này. Tuy nhiên, với các bà mẹ mang thai và cho con bú cần đến cơ sở y tế để được tư vấn trước khi sử dụng thuốc.
8.3. Đối tượng người lái xe, vận hành máy móc.
Thuốc Forlax không gây ảnh hưởng đến việc lái xe hay vận hành máy móc.
8.4. Sử dụng quá liều
Trong trường hợp sử dụng quá liều, người bệnh sẽ có các triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Tình trạng kéo dài có thể gây mất nước, điện giải. Lúc này người nhà cần đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
9. Một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng Forlax (macrogol)
9.1. Có nên dùng Forlax (macrogol) lâu dài cho trẻ?
Câu trả lời là không nên. Đối với trẻ chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian 3 tháng. Đối với trẻ, nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây nên các hậu quả không mong muốn:
- Trẻ bị tiêu chảy: Forlax thuộc nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu, không hấp thu tại ruột, kéo giữ nước để làm mềm phân tống đẩy ra ngoài. Trong trường hợp sử dụng lâu ngày, kéo dài, thể tích nước bị giữ nhiều gây ra tình trạng tiêu chảy, mất nước, mất điện giải ở trẻ.
- Mất phản xạ đi ngoài ở trẻ: Việc lạm dụng sử dụng thuốc gây ra sự phụ thuộc vào thuốc của hệ tiêu hóa trẻ. Nếu dừng sử dụng thuốc trẻ sẽ bị táo bón.
Chính vì vậy, các mẹ không nên sử dụng thuốc cho trẻ quá lâu. Trong quá trình sử dụng cần giảm liều dần dần cho đến khi dừng hẳn, tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa trẻ trở về nhịp sinh lý như ban đầu.
9.2. Nếu quên uống 1 liều, lần sau đó có nên dùng gấp đôi?
Câu trả lời là KHÔNG. Do nếu người bệnh sử dụng gấp đôi sẽ gặp tình trạng quá liều. Lúc này, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng của tác dụng không mong muốn: tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng.
Trong trường hợp quên liều, lần sau người bệnh vẫn sử dụng liều như bình thường, không gấp đôi liều.
9.3. Giá bán Forlax (macrogol) là bao nhiêu?
Thuốc được bán với giá 4,725 đồng/ gói.
10. Các biện pháp khác hỗ trợ điều trị táo bón cho trẻ nhỏ.
Như đã nói trên, việc sử dụng thuốc đối với trẻ nhỏ không nên quá lạm dụng. Cùng đó trong quá trình sử dụng thuốc, mẹ có thể phối hợp các biện pháp hỗ trợ khác giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón.
10.1. Uống đủ nước mỗi ngày.
Việc bổ sung đủ nước mỗi ngày sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón. Tùy vào từng trẻ mà lượng nước cần bổ sung là khác nhau:
- Đối với trẻ 6-12 tháng tuổi: 125-250 ml nước
- Đối với trẻ trên 1 tuổi: Lượng nước cần bổ sung là 250ml và tăng dần theo độ tuổi, mỗi tuổi tăng thêm 250ml nước. Đến khi trẻ trên 8 tuổi, mỗi ngày cần bổ sung 1,2 -1,5 lít nước.
10.2. Chế độ ăn nhiều chất xơ.
Chất xơ có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng táo bón. Việc sử dụng đủ chất xơ cho trẻ giúp cho nước được kéo vào đại tràng, phân được làm mềm ra. Nhờ đó, phân nhanh chóng được tống đẩy ra ngoài. Ngoài ra, chất xơ còn có khả năng làm tăng lợi khuẩn đường ruột hỗ trợ cho việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Mẹ có thể cho trẻ sử dụng một số rau, củ, quả giàu chất xơ như súp lơ xanh, cải bina, táo, lê, cam, quýt,..
Cùng đó, mẹ hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm có nhiều dầu mỡ hay đồ ăn nhanh, đồ ngọt,…Việc sử dụng các đồ ăn này có thể làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ.
Tham khảo: Chế độ dinh dưỡng cho bé táo bón
10.3. Chế độ sinh hoạt lành mạnh.
Về chế độ sinh hoạt, mẹ luyện tập cho bé thói quen tốt: đi vệ sinh đúng giờ và tập thể dục mỗi ngày. Việc vận động hàng ngày sẽ giúp tăng khả năng tiêu hóa thức ăn, thúc đẩy quá trình đi đại tiện ở trẻ.
Cùng đó với trẻ sơ sinh nếu gặp táo bón, mẹ có thể matxa bụng cho trẻ mỗi ngày giúp trẻ đi tiêu dễ hơn.
Và mẹ nên luyện tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Điều này có thể giúp trẻ giảm táo bón.
10.4. Sử dụng men vi sinh cho trẻ.
Ngoài ra, mẹ nên bổ sung thêm men vi sinh cho trẻ táo bón. Vì táo bón ở trẻ cũng có thể đến từ nguyên nhân mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tại đường ruột, nhờ sự có mặt của các lợi khuẩn, đặc biệt là Bifidobacterium với số lượng lên tới 90% giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn và đào thải phân diễn ra dễ dàng hơn theo sinh lý cơ thể. Do vậy, việc bổ sung lợi khuẩn đặc biệt là chủng Bifidobacterium là vô cùng cần thiết với trẻ, đặc biệt là khi trẻ gặp tình trạng táo bón.
Như vậy, qua bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn về thuốc Forlax. Cùng đó bạn đọc cũng có thể áp dụng một số phương pháp trên để giúp trẻ cải thiện táo bón. Ngoài ra, các thông trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh, bạn đọc nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Liên hệ với chuyên gia để được tư vấn theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo:
- Pubmed
- Mayoclinic
- Drug.com