Trẻ sốt mọc răng kèm theo các biểu hiện như chảy nhiều nước dãi, nướu sưng đau, trẻ hay cáu kỉnh quấy khóc…là tình trạng hay gặp khi bé chuẩn bị mọc răng sữa. Điều này là rất bình thường ở trẻ. Để giúp bé vượt qua giai đoạn khó chịu này, mẹ cần dùng các biện pháp hạ sốt và giảm sưng đau cho bé. Sau đây, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để biết cách xử trí phù hợp khi bé sốt mọc răng.
Mục lục
- 1. Tìm hiểu một vài nét về sự phát triển răng của trẻ
- 2. 5 dấu hiệu cho thấy trẻ sốt mọc răng
- 3. Những điều mẹ cần làm tại nhà khi bé sốt mọc răng
- 4. Một số điều mẹ không nên làm khi trẻ bị sốt mọc răng
- 5. Tránh nhầm lẫn sốt mọc răng với tình trạng sốt khác của trẻ
- 6. Hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng sau khi bé mọc răng
- 7. Một số thắc mắc khi trẻ bị sốt mọc răng
1. Tìm hiểu một vài nét về sự phát triển răng của trẻ
1.1. Thời điểm mọc răng sinh lý của trẻ
Hầu hết các bé bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6 – 10 tháng tuổi và muộn nhất là 36 tháng tuổi, bé sẽ mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa. Thông thường, bé sẽ mọc răng theo thứ tự sau:
1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng của bé là:
1.2.1. Yếu tố thuộc về người mẹ
Khi mới sinh, nguồn cung cấp Canxi cho bé là từ sữa mẹ. Người mẹ có ảnh hưởng lớn tới chất lượng sữa của trẻ. Nếu mẹ được cung cấp đầy đủ Canxi và các chất cần thiết khác thì bé sẽ được hấp thu đầy đủ Canxi cho sự phát triển xương và răng.
1.2.2. Chế độ ăn của bé
Một chế độ ăn hợp lý và đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ tạo nên sự phát triển toàn diện cho trẻ, trong đó có sự phát triển răng, bao gồm:
Vitamin D:
Vitamin D là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hấp thu Canxi và Phospho – các yếu tố hình thành xương, răng. Vitamin D kiểm soát lượng canxi trong máu, ruột và xương. Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể sẽ giúp canxi và phospho được gắn chắc trong các mô xương và điều hòa cân bằng nội môi của canxi và phospho trong cơ thể con người. Do đó, thiếu vitamin D có thể dẫn đến men răng yếu hơn. Một số báo cáo gần đây cho thấy mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và vitamin D, những người có mức vitamin D thấp có tỷ lệ mất răng nhiều hơn những người có mức vitamin D cao.
Canxi:
Canxi là yếu tố chính hình thành nên xương và răng của trẻ, chiếm đến 90%. Không những thế, canxi còn là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của mầm răng và cho sự phát triểm cốt hóa các sụn đầu xương dài. Do đó, xương, răng có được dẻo dai, khỏe mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào canxi. Trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi cần khoảng 300mg canxi mỗi ngày, trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 400mg canxi mỗi ngày.
Phospho:
cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển xương và răng. Theo tiêu chuẩn của WHO/FAO thì tỷ lệ Ca/P tốt cho trẻ là từ 1.2 – 2. Nếu một trong hai yếu tố tăng, ví dụ hàm lượng phospho đưa vào tăng sẽ làm cho sự hấp thu canxi giảm xuống và sự bài xuất canxi qua nước tiểu tăng lên.
Vitamin K2:
Vai trò chính của vitamin K2 là đưa canxi vào những bộ phận cần canxi trong cơ thể, như răng, xương và giữ canxi không lắng đọng tại não, tim và những nơi khác của cơ thể. Sự lắng đọng canxi có thể gây nên nhiều hậu quả nguy hiểm, bao gồm cả lão hóa sớm và tử vong sớm.
Ngoài ra, các bệnh lý mà bé gặp phải như hội chứng Down, suy giáp… gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển răng cũng như thời điểm mọc răng của bé.
2. 5 dấu hiệu cho thấy trẻ sốt mọc răng
Mỗi trẻ có sự phát triển khác nhau, vì vậy những dấu hiệu bé mọc răng có thể không giống nhau. Một số bé không có biểu hiện gì, trong khi có những trẻ quấy khóc rất nhiều. Lúc này, mẹ thường thấy bé có những biểu hiện như sau:
- Trẻ thường sốt nhẹ dưới 38,5oC, chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Nguyên nhân là do khi mọc, răng cần đâm qua nướu để chồi lên trên, điều này khiến nướu sưng đau, kích thích phản ứng viêm, gây sốt ở trẻ. Sốt mọc răng ở trẻ thường chỉ kéo dài 1 – 2 ngày rồi tự khỏi.
- Bé chảy nhiều nước dãi do miệng tăng tiết nước bọt. Nếu bạn thấy áo của bé thường xuyên bị sũng nước, hãy buộc yếm để bé thoải mái và sạch sẽ hơn. Để ngăn ngừa tình trạng kích ứng, hãy lau nhẹ cằm cho trẻ suốt cả ngày.
- Nướu sưng đỏ.
- Bé trở nên cáu kỉnh, dễ quấy khóc hơn do nướu sưng đau.
- Trẻ thích nhai, gặm và hay cắn do ngứa vùng nướu quanh răng. Trẻ có xu hướng thích gặm những đồ cứng hơn để “gãi ngứa”. Vì vậy, con rất thích dứt vú mẹ mỗi khi mẹ cho bú.
Ngoài ra bé có thể xuất hiện các vết phát ban ở cổ và mặt do nước dãi gây kích ứng làn da nhạy cảm của bé. Để khắc phục điều này, bạn có thể bôi Vaseline hoặc Aquaphor và dưỡng ẩm bằng kem dưỡng da nhẹ nhàng, không mùi để tạo một lớp màng bảo vệ da cho bé. Kem dưỡng (như Laroche Posay Cicaplast Baume B5) cũng rất tốt để bảo vệ làn da non nớt của em bé.
3. Những điều mẹ cần làm tại nhà khi bé sốt mọc răng
Khi có dấu hiệu trẻ mọc răng, mẹ cần làm những điều sau:
- Xử trí hạ sốt cho bé.
- Sử dụng các biện pháp để giảm sưng nướu cho bé.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bé.
Cụ thể:
3.1. Xử trí hạ sốt khi trẻ mọc răng tại nhà
Nếu con bạn dưới 1 tháng tuổi và bị sốt, hãy liên hệ với bác sĩ của con bạn ngay lập tức. Đối với trẻ lớn hơn, hãy thử các mẹo sau để hạ sốt cho bé tại nhà:
3.1.1. Cho bé uống nhiều nước
Sốt có thể gây mất nước do nhiệt độ tăng cao, nước trong cơ thể bốc hơi nhanh hơn, bé chảy nhiều mồ hôi hơn để làm mát cơ thể, vì vậy chúng ta cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho bé với những cách thức phù hợp.
- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn.
- Với trẻ trên 3 tháng tuổi, ngoài bổ sung cho bé sữa mẹ hoặc sữa công thức, mẹ có thể cho bé uống thêm nước hoặc chất điện giải. Lưu ý, không cho trẻ uống các dung dịch điện giải mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
3.1.2. Dùng khăn chườm ấm hoặc miếng dán hạ sốt cho bé
- Chườm ấm: Mẹ sử dụng khăn sạch nhúng nước ấm (khoảng 35 – 38 độ C) và lau chườm toàn thân cho bé. Bằng cách này, bé sẽ tăng thoát nhiệt và mau hạ sốt hơn.
3.1.3. Miếng dán hạ sốt cho bé
Miếng dán hạ sốt là miếng dán có tác dụng tản nhiệt, thành phần chủ yếu là hydrogel. Hydrogel là các polyme dạng chuỗi, không tan trong nước, có khả năng hút nước ở vùng da mà chúng tiếp xúc. Miếng dán này hoạt động theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán nhiệt ở vùng da này ra ngoài. Do đó, khi mới dán sẽ có cảm giác mát lạnh làm cho bé cảm thấy dễ chịu.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy tình trạng mát lạnh này không duy trì được lâu. Vùng da được dán sẽ trở lại nhiệt độ ban đầu khá nhanh. Mẹ nên đặt miếng dán vào ngăn mát trước khi sử dụng cho bé.
3.1.4. Đảm bảo em bé được nghỉ ngơi
Trẻ sơ sinh cần được nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi, đặc biệt là khi đang chống chọi với cơn sốt. Nếu bé ngủ nhiều hơn mọi khi, các mẹ cũng đừng nên quá lo lắng.
3.1.5. Giữ cho bé luôn mát mẻ
Tâm lý của một số người khi thấy trẻ bị bệnh sẽ cho trẻ mặc rất nhiều quần áo ấm, đeo vớ, đội mũ, quấn khăn… Những việc này sẽ khiến cơ thể trẻ không thể tỏa nhiệt ra ngoài nên bé càng sốt cao hơn. Ngay cả khi bé rùng mình, ớn lạnh, bạn cũng đừng ủ con trong lớp chăn dày hoặc đống quần áo ấm. Các mẹ nên mặc quần áo nhẹ để trẻ không bị quá nóng. Điều này sẽ giúp bé thoải mái, hạ sốt nhanh hơn.
3.1.6. Cho trẻ uống thuốc giảm đau
Thời điểm mọc răng khiến nướu của trẻ sưng đau, rất khó chịu. Để giảm đau cho bé, bạn có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen khi bé sốt mọc răng. Cả hai loại thuốc này đều có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Ibuprofen chỉ nên sử dụng cho những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Trong khi acetaminophen có thể được sử dụng ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến của bác sỹ nhi khoa trước khi sử dụng nếu con bạn dưới 2 tuổi.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dùng thuốc ở dạng lỏng và thuốc đạn. Trẻ lớn hơn có thể nhai và nuốt dễ dàng hơn nên dùng được cả viên nén nhai hoặc uống. Độ mạnh và liều lượng thay đổi tùy theo độ tuổi, vì vậy hãy luôn hỏi bác sĩ về liều lượng và đọc hướng dẫn sử dụng trên bao bì trước khi cho bé dùng thuốc hạ sốt.
Lưu ý: Không nên cho trẻ dùng aspirin vì có nguy cơ cao mắc chứng hiếm gặp gây nguy hiểm – hội chứng Reye. Ngoài ra, không cho em bé dưới 6 tháng tuổi uống bất kỳ loại thuốc nào có chứa ibuprofen.
3.2. Bí quyết giảm đau nướu khi trẻ sốt mọc răng
Sốt mọc răng ở trẻ kèm theo nướu bị sưng đau khiến cho bé luôn thấy khó chịu và đau đớn. Lúc này, các mẹ có thể áp dụng một vài biện pháp sau để xoa dịu tình trạng này cho bé:
3.2.1. Massage nướu cho bé
Bạn có thể giảm bớt cảm giác khó chịu bằng cách dùng ngón tay sạch hoặc miếng gạc tẩm nước muối sinh lý rồi xoa lên nướu của trẻ. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình mọc răng của trẻ, đồng thời, giúp vệ sinh nướu cho bé, tránh vi khuẩn bám vào chỗ sưng đau khiến nướu sưng hơn. Khi massage nướu cho bé, bạn nên làm nhẹ nhàng để tránh bé bị đau, quấy khóc.
3.2.2. Sử dụng vòng mọc răng cho bé
Khi đến một thời điểm, mẹ thấy bé thường xuyên ngứa lợi, hay cắn những đồ vật cứng, đây là dấu hiệu bé mọc răng rất hay gặp. Để bé thỏa niềm mong muốn, bạn có thể cho bé cắn vòng mọc răng (được làm từ cao su) đã được làm lạnh sẵn trong ngăn mát. Lưu ý không nên để vòng mọc răng trong ngăn đá. Bởi lúc này, vòng mọc răng quá lạnh, có thể gây hại cho nướu răng của trẻ.
Thêm vào đó, cao su khi để ở nhiệt độ quá lạnh sẽ trở nên cứng, giòn, dễ nứt làm rò rỉ chất lỏng bên trong. Chúng ta không biết chắc chất lỏng đó là gì, nó có thể chứa hóa chất gây hại cho cơ thể bé. Ngoài ra, mẹ cũng nên để những vật cứng, sắc nhọn xa tầm tay của trẻ, những vật này có thể làm lợi của bé tổn thương cũng như tăng nguy cơ gây hóc ở trẻ.
3.3. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi trẻ sốt mọc răng
3.3.1. Cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn
Để giúp bé khỏe mạnh, giảm cơn sốt nhanh chóng, mẹ cần cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn, đặc biệt là sữa mẹ. Bởi trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé, làm giảm nhanh chóng tình trạng sưng đau nướu của bé.
Ngoài ra, sữa mẹ hoặc sữa công thức cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin D, canxi, phosphor… rất cần thiết cho sự phát triển răng của trẻ.
3.3.2. Cho bé ăn thức ăn mềm hơn nếu bé đau khi nhai
Bé thường mọc những chiếc răng đầu tiên vào khoảng 4 – 7 tháng tuổi, trong giai đoạn này, đa số các bé đã bắt đầu chế độ ăn dặm. Tuy nhiên một số trường hợp, bé trở nên lười ăn hơn khi bé sốt mọc răng, do thức ăn có thể chọc vào vùng nướu đang sưng đau của bé. Lúc này, mẹ nên cho bé ăn những thức ăn mềm hơn mọi ngày như cháo, rau củ hầm, thịt hầm…
Do đặc tính mềm, loãng nên cháo rất dễ ăn, là lựa chọn rất tốt để bổ sung chất dinh dưỡng đối với trẻ sốt mọc răng. Mẹ có thể tham khảo một số loại cháo có khả năng vừa bổ sung dưỡng chất vừa có tác dụng hạ sốt cho trẻ như: Cháo gà hạt sen, cháo thịt hầm rau củ, cháo cá rau ngót…
Nếu bé vẫn không muốn ăn thì mẹ có thể cho bé uống thêm sữa để bé không bị thiếu chất. Vào thời điểm mọc răng, bé có thể sụt cân nhẹ, các mẹ không nên quá lo lắng bởi thời gian này sẽ qua đi nhanh chóng. Khi chiếc răng của bé đã mọc lên bình thường, mẹ có thể đưa bé về chế độ ăn bình thường, điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng, khi đó bé sẽ tăng cân trở lại.
3.2.3. Tích cực bổ sung vitamin D cho bé
Vitamin D có vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa và hấp thụ canxi giúp hình thành cấu trúc răng, xương từ đó giúp trẻ mọc răng nhanh và khỏe mạnh hơn. Một số thực phẩm giàu vitamin D nên được bổ sung cho trẻ như: Cá hồi, tôm, nấm, đậu nành,…
3.2.4. Thức ăn chứa Canxi được ưu tiên sử dụng cho trẻ sốt mọc răng
Canxi là dưỡng chất có tác động trực tiếp và vai trò chính đối việc việc hình thành xương, răng của cơ thể. Bé được bổ sung canxi không những thúc đẩy thời gian mọc răng mà còn cải thiện vững chắc mật độ xương, giúp bé cao và mau lớn. Một số món ăn cho bé sốt mọc răng rất giàu canxi như: Phô mai, cá mòi, các loại đậu, rau dền, thực phẩm bổ sung canxi…
Không cho trẻ uống nước ngọt có ga vì chúng ảnh hưởng xấu đến răng và sức khỏe của trẻ. Nước trái cây cũng không được khuyến khích dùng cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng vì nó thường chứa nhiều đường, tăng nguy cơ sâu răng, tiêu chảy và bệnh béo phì ở trẻ.
4. Một số điều mẹ không nên làm khi trẻ bị sốt mọc răng
Sốt mọc răng ở trẻ có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, có một số sai lầm mà bạn cần tránh:
Đặt nhiệt độ phòng quá thấp:
Mặc dù giảm nhiệt độ trong phòng có vẻ là một ý kiến hay nếu con bạn có nhiệt độ tăng cao, nhưng tốt nhất bạn nên giữ nhiệt độ phòng trong khoảng 25 – 27 độ C. Bởi trong giai đoạn mọc răng, cơ thể bé nhạy cảm, dễ bị cảm cúm hơn, đặt nhiệt độ quá thấp sẽ khiến bé mắc thêm các bệnh vặt khác như cảm cúm, sổ mũi… Để giảm nhiệt độ cơ thể, hãy cho bé tắm nước ấm hoặc lau người cho bé bằng khăn ấm.
Cho trẻ uống aspirin hoặc thuốc khác:
Không nên cho trẻ sơ sinh dùng thuốc dành cho người lớn, ngay cả với liều lượng nhỏ vì nó có thể gây ra hội chứng Reye ở trẻ.
Cho bé uống nước lạnh:
Một số mẹ nghĩ rằng, uống nước lạnh sẽ làm dịu cơn đau cho bé, tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Giữ cho trẻ đủ nước là điều quan trọng, nhưng bạn nên cho trẻ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức để thay thế, đồng thời cho bé uống nước ấm để bảo vệ họng của trẻ.
Sử dụng gel hoặc thuốc mọc răng cho bé:
Một số sản phẩm dành cho trẻ mọc răng được sử dụng trước đây được coi là có hại. Bao gồm các:
Các loại gel bôi trơn: như Anbesol, Orajel, Baby Orajel và Orabase do chứa benzocaine – một chất hóa học gây tê nướu. Việc sử dụng benzocaine có liên quan đến một tình trạng hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng, được gọi là methemoglobin huyết. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyến cáo rằng cha mẹ tránh sử dụng các sản phẩm này cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Thuốc mọc răng: FDA khuyến cáo cha mẹ không nên sử dụng viên nén mọc răng cho bé vì một số sản phẩm này có chứa lượng belladonna cao hơn – một chất độc hại được gọi là nighthade – xuất hiện trên nhãn.
5. Tránh nhầm lẫn sốt mọc răng với tình trạng sốt khác của trẻ
Chắc hẳn nhiều mẹ đang lo lắng không biết con của mình sốt do mọc răng hay do bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, chúng tôi đã khái quát ra một vài dấu hiệu để các mẹ phân biệt dễ dàng hơn.
5.1. Trẻ sốt do mọc răng
Như đã trình bày ở trên, dấu hiệu bé mọc răng thường gặp là:
- Trẻ sốt dưới 38,5 độ C, trong khoảng 1 – 2 ngày trước khi răng nhú lên và có xu hướng giảm dần. Bé sốt từng cơn, thường là về đêm.
- Bé thường chảy nhiều nước dãi.
- Nướu sưng đau khó chịu.
- Ít kèm theo ho, tiêu chảy.
- Trẻ hay khó chịu, cáu kỉnh nhưng vẫn sinh hoạt bình thường.
- Không hoặc ít xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
5.2. Trẻ sốt do các bệnh lý thường khác
- Trẻ thường sốt cao trên 39 độ C, có khi sốt nhiều ngày liên tục mà không thuyên giảm.
- Bé ít chảy nước dãi.
- Bé thường ho nhiều, giọng quấy khóc khản đặc, chảy nước mũi, tiểu ít, nôn trớ, đi ngoài nhiều… Sốt lúc này có thể do viêm họng, viêm phổi , sốt virus…
- Trẻ mệt mỏi, uể oải, ít vận động hơn bình thường.
- Dễ gặp những biến chứng nguy hiểm hơn.
- Một số bệnh lý cũng khiến nướu trẻ sưng đau, khó chịu như viêm nướu do tưa miệng hoặc viêm nướu herpes. Khi trẻ bị viêm nướu cấp tính do tưa lưỡi, trong miệng bé sẽ có những mảng trắng dày, nổi lên trên bề mặt niêm mạc má, lợi, vòm miệng. Còn nếu viêm nướu do Herpes, chúng ta dễ dàng thấy sự hiện diện của các túi chứa đầy chất lỏng màu trắng hoặc vàng trong miệng. Một vài ngày sau, các túi này vỡ ra và tạo thành vết loét gây đau đớn có đường kính từ 1-3 mm, được bao phủ bởi một lớp màng màu xám hoặc trắng và có vùng rìa viêm. Lúc này, bé cần thiết phải đến bác sỹ nhi khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
6. Hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng sau khi bé mọc răng
Việc vệ sinh và chăm sóc răng miệng cho trẻ từ sớm sẽ hình thành thói quen chăm sóc răng miệng tốt trong cả cuộc đời.
Các mẹ nên bắt đầu chăm sóc răng miệng cho bé trước khi chiếc răng đầu tiên của bé xuất hiện. Khi bé được khoảng ba tháng tuổi, bạn có thể nhẹ nhàng lau nướu cho bé bằng khăn hoặc gạc ẩm và sạch hai lần một ngày. Điều này giúp bé sẵn sàng cho việc đánh răng khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện.
Ngay khi chiếc răng đầu tiên nhú lên, hãy làm sạch răng bằng bàn chải đánh răng mềm dành cho trẻ em dưới hai tuổi. Nếu bé không thích bàn chải đánh răng trong miệng, bạn có thể tiếp tục sử dụng miếng gạc ẩm để lau mặt trước và mặt sau của mỗi chiếc răng. Cách tiến hành như sau:
- Bế trẻ trên tay, đặt trẻ nằm trong vòng tay của bạn.
- Đặt cằm trẻ trong tay bạn, đầu trẻ tựa vào thân bạn.
- Nhấc môi bé lên để làm sạch răng theo chuyển động tròn, mềm.
- Hãy chắc chắn rằng bạn chải kỹ mặt trước và mặt sau của mỗi chiếc răng và cả đường viền nướu.
Ngăn ngừa sâu răng sớm
- Rèn luyện thói quen đánh răng 2 lần / ngày cho bé.
- Chế độ ăn uống và cách bạn cho trẻ ăn cũng rất quan trọng với sức khỏe răng miệng của bé:
- Tránh cho bé ăn những đồ ăn chứa nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, nước ngọt,…
- Không nên đặt trẻ ngủ với bình sữa. Khi con bạn đang ngủ, sẽ có ít nước bọt trong miệng hơn để bảo vệ răng. Nếu con bạn ngủ gật khi bú bình, sữa có thể làm mòn men răng của trẻ, khiến bé có nguy cơ bị sâu răng. Cũng lưu ý rằng để trẻ ngủ bằng bình sữa có nguy cơ bị sặc.
7. Một số thắc mắc khi trẻ bị sốt mọc răng
7.1. Trẻ mọc răng sốt mấy ngày?
Thực chất, sốt mọc răng là dấu hiệu hết sức bình thường của trẻ. Bé thường chỉ sốt 1 – 2 ngày trước khi răng nhú lên, nếu bé mọc răng hàm thì thời gian này có thể lâu hơn (khoảng 3 – 4 ngày) do răng hàm có thiết diện lớn, cần nhiều thời gian hơn để nhú lên hoàn toàn khiến trẻ sốt lâu hơn. Khi đó, các mẹ không nên quá lo lắng, các mẹ nên áp dụng các biện pháp hạ sốt và giảm sưng nướu như đã nói ở trên.
7.2. Sốt mọc răng có nguy hiểm không?
Sốt mọc răng không gây nguy hiểm cho bé, thông thường, bé sẽ hết sau 1 – 2 ngày, các mẹ không nên quá lo lắng.
7.3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Đôi khi tình trạng sốt ở trẻ là một dấu hiệu cảnh báo bé đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần được chăm sóc kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện sau, bạn cần đưa đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ khám và chăm sóc y tế kịp thời:
- Trẻ sốt 38°C hoặc cao hơn.
- Bé dưới 3 tháng tuổi và sốt từ 38°C trở lên.
- Bé dưới 2 tuổi, tình trạng sốt đã kéo dài 24 giờ. Với các bé trên 2 tuổi, tình trạng sốt của bé kéo dài hơn 72 giờ.
- Bé sốt có kèm theo các triệu chứng khác như cổ cứng, đau họng, đau tai, phát ban,…
- Quấy khóc không yên, bứt rứt, khó chịu hay phản xạ kém.
- Trẻ sốt có kèm theo các biểu hiện ngủ li bì, lơ mơ…
- Co giật.
- Bỏ bú, bỏ ăn, không uống được nước.
- Trẻ tím tái.
7.4. Khi trẻ sốt mọc răng, có nên cho bé tắm không?
Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Khi bé sốt mọc răng, mẹ có thể tắm cho bé như bình thường bằng nước ấm hoặc dùng khăn ấm lau người cho bé.
7.5. Bé sốt mọc răng có tiêm phòng được không?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bé bị sốt mọc răng sẽ bị hoãn tiêm phòng trong trường hợp:
- Đối với tiêm chủng ngoài bệnh viện: Tạm hoãn tiêm nếu trẻ sốt trên 37.5 độ C.
- Đối với tiêm chủng tại bệnh viện: Tạm hoãn nếu trẻ sốt trên 38 độ C.
Nếu bé sốt cao, cần phải chờ bé hết sốt, thân nhiệt của bé ổn định từ 2 – 3 ngày rồi mới đưa bé đi tiêm phòng. Nếu bé sốt nhẹ dưới 38 độ C mẹ có thể đưa bé đi tiêm và thông báo với bác sĩ.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
>>Xem thêm: 6 Nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng và hướng xử trí