Trẻ sơ sinh bú mẹ hay bú bình đều dễ nuốt phải không khí, điều này khiến bé khó chịu gây đầy hơi cho bé. Đây cũng chính là nguyên nhân dễ bị ọc sữa hay nôn trớ và gây ra các vấn đề về tiêu hóa cho bé. Một cách giúp loại bỏ lượng khí này ra một cách hiệu quả đó là vỗ ợ hơi cho bé. Bài viết hướng dẫn bố mẹ cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh với kỹ thuật vỗ chuẩn nhất.
Mục lục
1. Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đầy hơi
Trẻ bị đầy hơi rất khó chịu, chúng quấy khóc và vùng vằng tay chân và không chịu ngủ. Việc vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh chính là để hạn chế tối đa tình trạng đầy hơi cho bé.
Đầy hơi ở trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân chủ yếu do:
- Do chế độ ăn của mẹ: Chế độ ăn của mẹ có nhiều các món ăn dễ sinh khí/gas như các loại đậu, hành, tỏi, rau họ cải,… món từ sữa, lúa mì. Hoặc mẹ thường xuyên uống nước có gas, bia rượu,…
- Do trẻ phản ứng với sữa công thức: Trẻ không dung nạp với sữa (không dung nạp lactose) cũng có thể gây tình trạng chướng bụng, đầy hơi.
- Do cấu tạo và kích thước dạ dày con bé: Trẻ sơ sinh kích thước dạ dày bé lại vừa đựng cả khí và sữa nên dễ bị căng đầy. Mặt khác dạ dày lúc mới sinh nằm ngang, các cơ thắt giữ dạ dày và thực quản còn yếu nên khi dạ dày đầy trẻ dễ trào ngược và nôn trớ.
- Do bé được cho bú quá no: Nếu mẹ cho con bú quá no không những không giúp bé hấp thu đủ chất dinh dưỡng mà còn đầy bụng, nôn trớ,..
- Do quá trình bú: Việc trẻ nuốt phải nhiều không khí trong khi ăn là nguyên nhân phổ biến nhất, gần như bất cứ đứa trẻ nào cũng gặp phải. Dù bé bú bình hay bú mẹ điều này là rất khó tránh khỏi có thể do kích thước núm vú, bé bú quá nhanh, tư thế sai,..
Biểu hiện của việc trẻ sơ sinh bị đầy hơi mà bố mẹ có thể nhận biết bao gồm:
- Bé bị ọc sữa, nôn trớ ngay sau khi bú
- Bụng bé căng tròn sau khi ăn 1-2 giờ
- Vỗ nhẹ bụng bé phát ra âm thanh như gõ trống – rỗng chứa nhiều khí
- Bé quấy khóc, vùng vằng tay chân
- Bé sợ ăn, không chịu ngủ
Xem thêm: Đầy hơi chướng bụng ở trẻ: Nguyên nhân và 8 giải pháp hiệu quả
2. Thời điểm nào cần phải vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh
Việc vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh giúp bé “ợ” ra ngoài – đẩy ra được lượng khí đang bị ứ trong khoang bụng. Điều này giúp bé phòng và giải quyết hiệu quả tình trạng đầy hơi khó chịu.
Vậy khi nào thì nên vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh?
Việc vỗ ợ hơi cho trẻ nên được hiện vào các thời điểm:
- Sau các lần bú hoặc sau các cữ bú
- Khi bé thay đổi tư thế bú hoặc khi đã bú xong một bên
- Khi bé có các dấu hiệu của việc đầy hơi: Nếu bé trớ hãy để trớ hết phần sữa sau đó vỗ để em “ợ” hết phần khí đã đi vào trong.
Nếu bé thường xuyên bị đầy hơi bố mẹ có thể quan sát và vỗ ợ hơi cho em trong quá trình cho bú. Nhưng nếu khi bú bé vui vẻ và thoải mái ăn ngoan thì mẹ có thể chỉ cần vỗ ợ hơi cho bé sau khi bé ăn xong. Không có một tiêu chuẩn cụ thể nào về thời điểm vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh mà nó phụ thuộc vào phản ứng trong quá trình bú của bé.
3. Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh
Dưới đây là một số cách và kỹ thuật vỗ ợ hơi chuẩn do các bác sĩ nhi khoa hướng dẫn bố mẹ cần nắm rõ và thực hiện ngay.
Cách 1: Tư thế bế vác
- Mẹ chuẩn bị một chiếc khăn hoặc miếng vải sạch trải lên ngực hoặc vai người bế để tránh bé trớ làm bẩn quần áo.
- Tựa cằm trẻ lên vai mẹ, đỡ đầu và vai trẻ bằng một tay sao cho bé được dựa một cách thoải mái. Mẹ có thể để đầu bé nâng cao hơn vai mình hoặc dựa vào cho bé dự vào tầm vai.
- Tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng trẻ và thoa lưng theo hình tròn. Mẹ vỗ nhẹ nhàng đều tay từ dưới lên dọc sống của bé, mẹ có thể vừa đi lại quanh phòng.
Cách 2: Tư thế ngồi trên đùi
- Cho bé ngồi trên đùi mẹ, mặt quay ra ngoài.
- Mẹ một tay đỡ bé với ngón trỏ và ngón cái đỡ cằm, ngón giữa luồn xuống nách bé. Chú ý không để ngón trỏ và ngón cái tì vào cổ bé, giữ bé ngồi một cách thoải mái.
- Tay còn lại tương tự tư thế bế vác, mẹ xoa theo hình tròn và vỗ nhẹ cho bé.
Cách 3: Tư thế nằm trên đùi hoặc cánh tay
- Trải một tấm khăn hoặc vải sạch lên đùi mẹ để tránh bé trớ làm bẩn quần áo của bạn
- Cho bé nằm trên cách tay mẹ hoặc vắt ngang qua đùi mẹ, nằm úp, mặt bé hướng xuống dưới.
- Một tay luồn xuống dưới người bé đỡ cằm bé, sao cho bé được nằm một cách thoải mái. Đảm bảo rằng phần đầu của bé cao hơn ngực.
- Tay còn lại vỗ nhẹ và đều tay lên lưng bé để giúp đẩy khí ra ngoài.
4. Lưu ý khi vỗ ợ hơi cho trẻ
Khi vỗ ợ hơi cho sơ sinh bố mẹ cần chú ý những điều sau:
- Khi vỗ bàn tay cần khum các ngón vào nhau và vỗ sao cho tạo ra tiếng nghe “bồm bộp”
- Mẹ không nên cho rằng vỗ mạnh sẽ giúp con đẩy khí ra ngoài tốt hơn, điều đó thực chỉ làm bé sợ mà không hề tăng hiệu quả. Khi vỗ ợ hơi cho trẻ mẹ chỉ nên vỗ nhẹ và đều tay.
- Với các bé thường xuyên nôn trớ mẹ có thể thay động tác bằng cách vuốt dọc cột sống lưng
- Khi vỗ ợ hơi cho bé cần đảm bảo lưng của bé thẳng không cong gập, giữ phần đầu cổ cố định vì bé còn yếu
- Với các bé bú bình mẹ cần vỗ ợ hơi cho bé ở giữa và sau bữa ăn, thời gian cũng lâu hơn so với bé bú mẹ
- Dù bú ngày hay đêm thì bé đều cần được vỗ ợ hơi. Nếu vì ban đêm mà bỏ qua việc vỗ ợ hơi cho bé có thể khiến bé đầy bụng, quấy khóc và không chịu ngủ.
Một số lưu ý quan trọng khác:
- Thời gian vỗ ợ hơi cho bé kéo dài bao lâu là tùy thuộc vào lượng khí trong dạ dày của bé. Thông thường mẹ không cần mất quá nhiều thời gian để giúp bé ợ hơi, trong vòng 1 phút là vừa đủ. Nhưng nếu đã vỗ sau khoảng 10 đến 15 phút mà bé vẫn không ợ hơi thì mẹ có thể đổi tư thế và vỗ lưng cho bé.
- Mẹ nên có một chiếc khăn sạch để vệ sinh cho bé và để tránh bẩn quần áo của mình
- Nếu khi vỗ lưng bé có thể trớ ra một ít sữa thì bố mẹ không cần quá lo lắng vì khí từ dạ dày thường bị chặn lại bởi lượng sữa mà bé vừa bú vào.
- Nếu thực hiện các biện pháp trên mà bé vẫn không ợ hơi thì bố mẹ nên kiểm tra xem người bé có đang cong gập hay không, bé đang khóc hoặc nắm chặt tay không? Hãy để bé nằm ngửa và xoa bụng nhẹ nhàng đồng thời di chuyển chân của bé qua lại tượng tự động tác đạp xe để giúp bé dễ chịu hơn
Tham khảo: webmd
Mọi chi tiết thắc mặc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.