Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ. Điều này gây lo lắng và lúng túng với nhiều bậc cha mẹ, nhất là khi con sốt cao liên tục. Bé bị sốt cao liên tục không hạ, cần phải xử trí như thế nào? Dưới đây là 6 điều mẹ cần biết.
Mục lục
1. Bé sốt cao liên tục không hạ có nguy hiểm không?
Sốt là một phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, vi rút,…
Trẻ bị sốt cao liên tục không hạ chứng tỏ tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Nếu không được xử trí kịp thời có thể xảy ra tình trạng co giật rất nguy hiểm.
2. 4 nguyên nhân khiến bé sốt cao liên tục không hạ
2.1. Bé sốt cao do nhiễm trùng nặng
Sốt cao liên tục không hạ chính là một trong những dấu hiệu chứng tỏ bé đã bị nhiễm trùng nặng. Các vi khuẩn, vi rút tăng sinh quá mức gây thương tổn các tế bào mô, tấn công vào mạch máu dẫn đến nhiễm trùng máu, nhiễm trùng não,…
Trường hợp nhiễm trùng điển hình khiến trẻ sốt cao liên tục không hạ
- Sốt do viêm Amidan cấp: Viêm Amidan cấp là bệnh do virus hoặc vi khuẩn, khá thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ bị viêm amidan cấp có biểu hiện sốt cao liên tục (khoảng 38-39 độ) kèm theo các triệu chứng như ho khan, giọng khàn, trẻ mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn. Với trẻ bú mẹ, trẻ có thể bỏ bú, quấy khóc liên tục. Để kiểm tra xem có phải trẻ viêm Amidan không, mẹ có thể dùng thìa ấn nhẹ lưỡi trẻ để xem vòm họng, Amidan của bé có sưng không. Thông thường, trẻ viêm Amidan có thể sốt từ 1-4 ngày, và tự khỏi sau đó khoảng 3-5 ngày. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể kéo dài và trở thành viêm Amidan mạn tính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Nhiễm trùng hô hấp thường do các vi khuẩn Fusobacterium, Bacteroides, Prevotella, Peptostreptococcus, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Klebsiella pneumonia, Pseudomonas aeruginosa, Enterobacter sp, Serratia sp, ký sinh trùng, nấm gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể trẻ và gây bệnh qua đường thở (mũi, miệng), đường máu (trẻ bị nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng catheter tĩnh mạch,…). Khi bị nhiễm trùng phổi, trẻ có các biểu hiện sốt cao kéo dài, đau ngực, ho khạc nhiều đờm (có thể có mủ hoặc máu), biếng ăn, sụt cân,…
- Nhiễm trùng màng não chủ yếu gây ra bởi các loại virus (Arbovirus gây viêm não Nhật Bản, virus Herpes simplex, Enterovirus,…). Thường nhiễm trùng màng não sẽ khởi phát cấp tính, tiến triển nặng và để lại di chứng cao hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó các mẹ cần để ý các dấu hiệu ở trẻ như sốt cao liên tục, khóc thét, đau đầu, buồn nôn, nôn,… để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Nhiễm trùng máu: Trường hợp nhiễm trùng máu, các biểu hiện của trẻ nghiêm trọng hơn, sốt cao liên tục không hạ, nôn trớ, li bì, mạch nhanh, thở gấp. Trường hợp này trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chăm sóc kịp thời.
2.2. Sốt cao liên tục do nhiễm virus
Sau khi nhiễm virus, trải qua giai đoạn ủ bệnh, virus nhân lên mạnh mẽ và khởi phát với các triệu chứng đặc trưng như sốt cao liên tục, sốt về chiều, trẻ mệt mỏi, li bì, thường quấy khóc và không chịu chơi. Tùy từng virus nhiễm phải mà trẻ có các biểu hiện khác nhau như:
- Trẻ sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột, kéo dài 2-7 ngày. Trên da trẻ xuất hiện chấm li ti, nặng hơn là chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
- Sốt do nhiễm virus cúm: Sốt do virus cúm thường nhẹ, khoảng 38 độ. Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao liên tục không hạ, có thể trẻ đã chuyển sang giai đoạn bội nhiễm vi khuẩn, cần được can thiệp y tế sớm.
- Sốt do virus tay – chân – miệng: Tay chân miệng là bệnh gây ra do virus, với các triệu chứng sốt liên tục đồng thời xuất hiện các nốt mụn nước ở trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Do đó, khi thấy trẻ sốt cao liên tục, mẹ nên kiểm tra xem cơ thể con có bất thường gì không để xem con đang gặp tình trạng gì.
- Sốt do virus thủy đậu: Thủy đậu là bệnh lý ngoài da dễ lây. Sau quá trình ủ bệnh, bệnh khởi phát với biểu hiện sốt kéo dài, cùng với các triệu chứng đau mình mẩy, xuất hiện phỏng nước ở mặt, ngực và lưng. Mụn nước có dịch trong, ngứa rát khiến trẻ khó chịu, quấy khóc.
Dựa vào triệu chứng kèm theo sốt liên tục không hạ và dịch tễ địa phương, những người tiếp xúc trong thời gian gần mà cha mẹ có thể dự đoán tình trạng của con để có cách xử trí phù hợp.
2.3. Bé được chăm sóc không đúng cách khi sốt
Việc các mẹ chăm sóc trẻ không đúng cách cũng khiến cho tình trạng sốt của trẻ nặng thêm. Một số sai lầm khi chăm sóc trẻ khiến trẻ bị sốt cao liên tục không hạ
- Mẹ cho bé mặc quần áo dày khiến bé không thoát nhiệt được, do đó mà bé càng sốt cao hơn.
- Mẹ chườm khăn lạnh cho bé: Rất nhiều người lầm tưởng rằng khi trẻ bị sốt, chườm khăn lạnh sẽ giúp hạ nhiệt độ nhanh chóng. Tuy nhiên đây lại là cách thực hiện sai lầm khiến cho tình trạng của trẻ ngày càng nặng hơn. Việc chườm khăn lạnh cho trẻ sẽ làm lỗ chân lông co lại khiến nhiệt không thoát ra được. Bên cạnh, mạch máu bé gặp lạnh cũng sẽ bị co lại, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
2.4. Trẻ đã uống thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng
Trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt trong các trường hợp:
- Liều lượng thuốc hạ sốt không hợp lý: Với trẻ bị sốt, việc tính liều thuốc paracetamol cần dựa trên liều lượng với liều theo cân nặng trẻ, từ 10-15 mg/kg. Nếu không tính toán liều hợp lý hoặc tự ý sử dụng liều không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến sai liều, giảm hiệu quả điều trị, trẻ vẫn sốt cao.
- Sử dụng thuốc chưa đúng cách: Trong trường hợp sử dụng thuốc đặt paracatemol, nếu chưa đặt chưa đúng vị trí cũng làm mất tác dụng thuốc, khiến tình trạng sốt kéo dài không hạ.
- Sử dụng dạng thuốc không hợp lý: Tùy tình trạng của trẻ mà mẹ lựa chọn dạng thuốc phù hợp, nếu bé nôn trớ nhiều, việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt đôi khi sẽ không có tác dụng vì bị nôn hết ra ngoài. Trong trường hợp này, các mẹ có thể sử dụng thuốc đạn paracetamol để hạ sốt cho trẻ thông qua đường trực tràng.
Trên đây là 4 nguyên nhân chủ yếu khiến bé bị sốt cao liên tục không hạ, mong rằng các mẹ hãy để ý trong quá trình chăm sóc trẻ để có giải pháp phù hợp.
3. 6 điều các mẹ cần thực hiện ngay khi bé bị sốt cao liên tục
Dưới đây là 6 điều mẹ cần thực hiện khi bé sốt cao liên tục.
3.1. Để trẻ ở nơi thông thoáng khí
- Môi trường thông thoáng, sạch sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút) gây bệnh. Bên cạnh đó còn khiến bé thoải mái, dễ thở. Nhờ đó mà tình trạng bệnh của bé cũng được cải thiện.
- Trong trường hợp bé bị sốt xuất huyết, việc vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ là vô cùng cần thiết để tránh sự sinh sôi và phát triển của muỗi bởi vì muỗi là động vật trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
3.2. Theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên
- Một trong những việc mà các mẹ cần làm khi bé sốt cao liên tục chính là theo dõi nhiệt độ của trẻ.
- Việc theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên là cách để đánh giá tình trạng của bé có thuyên giảm hay không. Và các mẹ cũng có thể dựa vào đó để có cách chăm sóc trẻ cho phù hợp.
- Nếu bé sốt cao liên tục mà không hạ (nhiệt độ của cơ thể tăng liên tục) thì các mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
3.3. Lau người cho bé bằng nước ấm
Khi trẻ bị sốt cao sẽ vã mồ hôi nhiều, khiến cho người lúc nào ướt át, bịn rịn. Lau người cho trẻ bằng nước ấm sẽ giúp trẻ thoải mái hơn. Bên cạnh đó cũng giúp bé hạ sốt nhanh hơn.
3.4. Cho trẻ uống nước thường xuyên và bổ sung dung dịch bù điện giải.
Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Nó tham gia điều hòa mọi hoạt động sống của tế bào, bên cạnh đó nó còn giúp duy trì nhiệt độ của cơ thể. Việc bổ sung nước thường xuyên sẽ giúp cho các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể trẻ diễn ra một cách nhịp nhàng hơn. Bé bị sốt cao, vã mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước và điện giải. Chính vì vậy các mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước và dung dịch bù điện giải; cho trẻ bú nhiều lần trong ngày nếu trẻ đang trong thời kỳ bú mẹ.
3.5. Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt
Bé bị sốt cao liên tục không hạ thì việc cần thiết lúc này chính là cho bé dùng thuốc hạ sốt, tránh tình trạng bé sốt cao quá mức gây ra co giật, thậm chí tử vong.
Thuốc hạ sốt thường dùng:
- Paracetamol (cho trẻ uống cách nhau tối thiểu 4 tiếng/ lần để tránh gây độc gan) dạng bột, dạng hỗn dịch, dạng viên đặt
- Ibuprofen (cho trẻ uống cách nhau tối thiểu 6 tiếng/ lần).
Đối với bé hay bị nôn trớ nhiều thì nên cho bé hạ sốt bằng đường trực tràng (cho bé sử dụng thuốc đạn paracetamol).
a. Hướng dẫn sử dụng thuốc đạn paracetamol đặt trực tràng đúng cách
♦ Tên thuốc: EFFERANGAL
♦ Dạng bào chế: viên đạn
♦ Thành phần – hàm lượng: Paracetamol 80mg, tá dược vừa đủ.
♦ Chỉ định: Dùng để giảm đau nhẹ đến vừa, hạ sốt. Thích hợp trong các trường hợp không dùng paracetamol bằng đường uống được (trẻ đang ngủ, trẻ nôn trớ nhiều, trẻ bị co giật do sốt).
Dạng phân liều của Efferalgan sử dụng phù hợp cho trẻ có cân nặng từ 10kg trở lên.
♦ Liều dùng:
Cho trẻ sử dụng viên đạn cách nhau tối thiểu 6 tiếng/ lần. Vì thuốc đạn có nguy cơ gây kích thích trực tràng, do đó không nên đặt thuốc hơn 4 lần/ ngày và không sử dụng trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy.
♦ Cách sử dụng thuốc đạn
- Đặt viên thuốc trong tủ lạnh một vài phút để làm cứng trước khi tháo lớp bao.
- Rửa tay của bạn thật sạch, sau đó tháo lớp bao thuốc.
- Làm sạch vùng hậu môn của trẻ. Để trẻ nằm nghiêng, đầu gối gập vào bụng. Nâng nhẹ mông trẻ để lộ phần hậu môn.
- Nhẹ nhàng đẩy đầu nhọn của thuốc vào phần hậu môn trẻ, đẩy viên thuốc ngập sâu hết chiều dài thuốc.
- Khép hai nếp mông trẻ trong vài giây. Giữ trẻ nằm yên trong vài phút để tránh thuốc đạn trôi ra.
- Bỏ vỏ thuốc vào thùng rác và rửa tay bạn thật sạch.
♦ Chống chỉ định:
- Không dùng thuốc đạn trong trường hợp trẻ bị dị ứng với paracetamol, propacetamol hydroclorid (tiền chất của paracetamol) hoặc mỡ no.
- Không dùng trong trường hợp trẻ bị viêm gan nặng, trẻ bị chảy máu trực tràng, viêm hậu môn,…
♦ Khuyến cáo: Không cắt nhỏ viên thuốc đạn và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ.
b. Lưu ý khi dùng thuốc
- Nếu quên liều không được dùng liều gấp đôi trong lần kế tiếp.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Trường hợp đang sử dụng thuốc khác để điều trị bệnh, các mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc đạn cho trẻ.
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30 độ C.
- Khi trẻ có các dấu hiệu quá liều như: buồn nôn, nôn, chán ăn, da xanh xao, đau bụng, khó chịu và toát mồ hôi. Các mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
>> Xem thêm: Paracetamol – Sử dụng thuốc hạ sốt an toàn, hiệu quả
3.6. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong trường hợp mẹ đã cho bé sử dụng thuốc hạ sốt nhưng tình trạng của bé vẫn không thuyên giảm, bé có các dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, lừ đừ, quấy khóc dữ dội, nôn mửa, tiểu ít,…thì mẹ cần đưa bé tới cơ sở y tế để họ chẩn đoán và điều trị một cách kịp thời để tránh được các biến chứng có thể xảy ra: co giật, mất nước nặng, nhiễm trùng máu,…
TÓM LẠI:
Bé bị sốt cao liên tục không hạ thường rất nguy hiểm. Do đó, các mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên và chăm sóc trẻ đúng cách để cải thiện tình trạng bệnh ở trẻ.
Mong rằng với những thông tin ở trên sẽ giúp các mẹ một phần nào đó trong việc chăm sóc trẻ khi bị sốt.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo:
>> Xem thêm: 5 dấu hiệu nhận biết trẻ sốt mọc răng và cách xử trí tại nhà.