Giấc ngủ là một hoạt động sinh lý rất quan trọng đối với bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ, trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng nhận thức, vận động và sự phát triển thể chất của trẻ là vô cùng gắn bó với nhau. Vậy nên, cha mẹ cần chú ý nếu có dấu hiệu trẻ sơ sinh ngủ ít, hay tìm hiểu kỹ nguyên nhân và áp dụng một trong 8 giải pháp trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh ngủ ít
Giấc ngủ của trẻ không giống người lớn, trẻ thường ngủ nhiều hơn vào ban ngày, ban đêm trẻ dậy vui chơi hoặc đòi ăn. Độ dài của giấc ngủ cũng thay đổi theo độ tuổi, được thống kê như bảng dưới đây:
Như cha mẹ đã biết, mặc dù còn nhỏ nhưng con vẫn rất cần đảm bảo ngủ đủ giấc để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống trong cơ thể. Thời gian khuyến nghị về giấc ngủ của trẻ sơ sinh là khoảng 14 – 17 giờ/ngày.
Hầu hết mọi đứa trẻ đều có tổng thời gian ngủ giống nhau. Vì thế cho nên, dấu hiệu quan trọng nhất để cha mẹ biết rằng trẻ sơ sinh đột nhiên ngủ ít là dựa vào tổng thời gian ngủ trong ngày của con. Nếu con ngủ ít hơn 10 giờ mỗi ngày thì cha mẹ cần thật sự lưu tâm để giúp con ngủ được tốt hơn.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng cho thấy con có dấu hiệu bé sơ sinh ngủ ít như:
- Con thường xuyên ngáp
- Mí mắt rung, nháy
- Hay quấy khóc
- Có các hành động như: kéo tai, dụi mắt
- Con ăn kém hơn thường ngày
- Khó đánh thức con dậy
2. Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh ngủ ít?
Các nguyên nhân về sinh lý hay bệnh lý đều có thể là nguồn gốc khiến cho trẻ sơ sinh ngủ ít quấy khóc. Trong đó, một số nguyên nhân hay gặp có thể kể đến như:
2.1. Trẻ đói
Mỗi lần bú, trẻ sơ sinh thường không ăn quá nhiều khiến cho trẻ dễ thức giấc để được bú ngay cả khi mẹ vừa cho bé ăn vài giờ trước đó Đói là lý do phổ biến khiến trẻ thức giấc vào ban đêm, trẻ cần ăn để phát triển. Mẹ hãy kiểm tra xem liệu có phải con đang quá đói hoặc khát nước không nhé.
2.2. Trẻ chưa nhận thức được ngày – đêm
Một số trẻ ngủ theo lịch trình đảo ngược ngày – đêm. Con ngủ ngon vào ban ngày, nhưng thức giấc và vui chơi vào ban đêm do chưa phân biệt được ngày và đêm, giống như khi còn ở trong bụng mẹ.
2.3. Tã/ bỉm của trẻ không được thay thường xuyên
Trẻ thường xuyên được mặc bỉm giúp cha mẹ dễ dàng vệ sinh và dọn dẹp hơn. Tuy nhiên, điều này khiến cho nhiều đứa trẻ cảm thấy không thoải mái, nhất là khi bỉm đã bị bẩn mà chưa được cha mẹ thay. Trẻ sẽ có cảm giác ẩm ướt, khó chịu, nên thức dậy cũng là dấu hiệu để trẻ muốn được cha mẹ chú ý hơn.
2.4. Trẻ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh
Những âm thanh, tiếng động đến từ môi trường bên ngoài, dù là rất nhỏ nhưng cũng có thể làm phiền đến giấc ngủ của trẻ. Bên cạnh đó, các yếu tố như: ánh sáng quá mạnh, không gian ngủ chật hẹp, bí bách, thiếu sự thông thoáng, nóng nực hay vị trí ngủ gần các thiết bị điện tử cũng ảnh hưởng tới trẻ.
2.5. Trẻ gặp phải 1 số tình trạng bệnh lý
Khi trẻ cảm thấy không được khỏe, trẻ sẽ muốn được cha mẹ chú ý nhiều hơn, yêu thương hơn trong lúc ấy. Những điều có thể khiến trẻ thường xuyên thức giấc là em bé của bạn đang:
- Bị cảm lạnh, sốt
- Dị ứng
- Đầy bụng
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
- Bị táo bón
3. Trẻ sơ sinh ngủ ít có sao không?
Như đã đề cập ở trên, giấc ngủ là vô cùng cần thiết, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Ngủ đủ lượng thời gian tối thiểu và một giấc ngủ sâu sẽ giúp cho các cơ quan trong cơ thể trẻ hoạt động một cách tốt nhất, giúp phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, góp phần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể ngày càng hoàn thiện hơn.
Vì vậy, việc trẻ sơ sinh ngủ ít không sâu giấc ảnh hưởng khá nhiều đến sự trưởng thành một cách tự nhiên ở trẻ. Vấn đề này không chỉ có nguy cơ gây chậm phát triển về nhận thức mà còn có khả năng cao khiến cho trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng.
Các bà mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày, cần chú ý theo dõi nếu tình trạng diễn ra trong một thời gian dài thì nên đến gặp bác sỹ Nhi khoa để tìm ra nguyên nhân và khắc phục kịp thời.
4. 8 giải pháp mẹ nên áp dụng khi trẻ sơ sinh ngủ ít
Cùng tìm hiểu và thực hiện các giải pháp khi trẻ sơ sinh ngủ ít và không sâu giấc sau đây để giúp giấc ngủ của con được cải thiện cha mẹ nhé.
4.1. Cho trẻ bú đủ
Khi chưa ăn đủ no, con thường quấy khóc, ngủ ít, giấc ngủ ngắn. Việc theo dõi và cân nhắc cữ sữa con cần là rất quan trọng để mẹ biết khi nào con thực sự no. Hầu hết trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ bú sữa mẹ, vẫn cần bú mẹ ít nhất 1 hoặc 2 lần trong đêm.
Con ngày càng lớn dần, nên tập từ từ kéo dài thời gian giữa các cữ bú vào ban đêm để con ngủ đêm nhiều hơn.
Ngoài ra, việc thay tã cho trẻ thường xuyên sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn cho con khi ngủ. Tã bẩn, ẩm ướt có thể làm cho con bị hăm hoặc các bệnh về da.
4.2. Giúp trẻ phân biệt ngày và đêm
Thời gian ở trong bụng mẹ khiến cho trẻ có thói quen thức – ngủ bất cứ khi nào trẻ muốn. Hỗ trợ con thay đổi nhịp sinh học cho phù hợp đồng thời cũng giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc con là điều nên làm và cần thực hiện dần dần để con quen dần hơn.
- Để đèn ở mức thấp hoặc tắt đèn vào ban đêm ở bất kỳ nơi nào gần chỗ ngủ của trẻ. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trước và trong khi ngủ (đặc biệt là các loại đèn LED)
- Tạo không gian yên tĩnh vào ban đêm, không bật các thiết bị âm thanh khi trẻ đang ngủ
- Ban ngày, khi trẻ thức giấc, người lớn có thể trò chuyện, vui chơi cùng với trẻ
- Tập dần thói quen thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi buổi sáng, cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng ban ngày vào buổi sáng và chiều
4.3. Sử dụng âm thanh, hành động nhẹ giúp trẻ dễ ngủ
Việc nghe nhạc không chỉ giúp cho việc ngủ được ngon và sâu hơn, mà còn hỗ trợ kích thích tư duy cho trẻ. Nhạc cổ điển hay các nhạc nhẹ là lựa chọn thích hợp. Tuy nhiên, cần bật ở mức độ vừa phải, êm dịu, tránh làm trẻ giật mình trong khi đang ngủ, lâu dần có thể ảnh hưởng tới thần kinh của con.
4.4. Trấn an trẻ trước khi ngủ
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, khoảng thời gian trước khi ngủ nếu cha mẹ làm con quá hào hứng, kích thích thì việc này sẽ khiến trẻ khó ngủ hơn. Chơi đùa và trò chuyện với trẻ giúp trí não trẻ phát triển, kích thích hệ thần kinh giao cảm. Tuy nhiên, trước khi đi ngủ khoảng 15 – 30 phút, để trẻ tự chơi, tạo không gian yên tĩnh và làm cho trẻ bình tĩnh hơn thì trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
4.5. Massage cho trẻ
Massage cho trẻ hàng ngày góp phần làm cho hai mẹ con trở nên gần gũi hơn thông qua việc tiếp xúc da với da. Bên cạnh đó, massage toàn cơ thể cho trẻ còn làm giảm các vấn đề về tiêu hóa, thúc đẩy sự phát triển của các cơ, giúp ổn định tâm lý, giảm cáu gắt và dễ ngủ hơn.
- Massage bụng: Mẹ dùng đầu ngón tay, di chuyển quanh bụng con theo chiều từ khung xương sườn xuống dưới, theo hình tròn hoặc hình chữ ILU – I Love U theo chiều kim đồng hồ. Trong trường hợp trẻ mới sinh, rốn chưa rụng hoặc mới rụng vài ngày mẹ không nên thực hiện.
- Massage đầu và mặt: Nâng đầu bằng cả 2 tay, massage giống như đang gội đầu cho con. Dùng các ngón tay vuốt nhẹ nhàng trên mặt con theo hình trái tim từ trán xuống cằm, vuốt lông mày, mí mắt,… Để con ngủ ngon mẹ thực hiện massage cằm theo hình vòng tròn. Lưu ý, trong khi massage tránh vùng thóp của con.
- Massage tay, chân, lưng, ngực. Mẹ cần thực hiện nhẹ nhàng, tạo cảm giác thoải mái, thích thú cho con.
4.6. Quấn khăn cho trẻ đúng cách
Quấn khăn giống như việc tạo một tổ kén bao bọc, tạo cảm giác an toàn trong lúc ngủ. Ngoài ra còn giúp ủ ấm và duy trì thân nhiệt cho trẻ. Mẹ có thể lựa chọn 1 chiếc chăn mỏng, tã vải hoặc chũn để quấn cho bé.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý tham khảo cách quấn của các hộ lý hoặc người có kinh nghiệm để tránh quấn sai cách, làm ảnh hưởng đến sự phát triển xương hoặc làm tăng nguy cơ gây viêm phổi cho con.
4.7. Chú ý chế độ dinh dưỡng của mẹ và trẻ
Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, đặc biệt là sự thiếu hụt canxi rất dễ khiến trẻ quấy khóc vào ban đêm. Chế độ ăn của mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến dinh dưỡng của con, vì con tiếp nhận chúng thông qua sữa mẹ. Mẹ nên chú ý ăn uống điều độ, đủ chất, đa dạng và phong phú để cả mẹ và con cùng được đảm bảo sức khỏe.
4.8. Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ
Thông thường, khi con còn nhỏ cha mẹ chưa nghĩ đến việc bổ sung lợi khuẩn cho trẻ. Nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm, việc bổ sung các vi khuẩn có lợi giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa của con khỏe mạnh hơn, góp phần tăng cường hệ miễn dịch hoàn hảo để tránh các mối nguy cơ nguy hiểm đến từ môi trường xung quanh.
Việc tìm hiểu thông tin để lựa chọn các chế phẩm phù hợp với độ tuổi, sử dụng với liều lượng hợp lý và an toàn là vô cùng cần thiết.
Xem thêm: Mẹo xử trí trẻ sơ sinh khó ngủ, quấy khóc cả đêm
Tổng kết:
Trẻ sơ sinh ngủ ít sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của não bộ cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó sẽ gây ra những stress cho cha mẹ. Để cải thiện tình trạng trên các mẹ nên xác định rõ nguyên nhân và khắc phục giúp bé an tâm tròn giấc. Để trẻ luôn khỏe mạnh, phát triển đầy đủ và hoàn hảo cả về thể chất lẫn tinh thần thì một giấc ngủ đủ và ngon là điều cha mẹ nên lưu tâm. Bài viết đã hướng dẫn 8 giải pháp trong trường hợp trẻ sơ sinh ngủ ít, hy vọng có thể giúp ích cho cha mẹ.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482