Trẻ bị táo bón lâu ngày là bài toán khó giải của các bậc cha mẹ. Trẻ nhỏ liên tiếp chịu cảm giác ấm ách, khó chịu, đầy bụng biếng ăn khiến cha mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên. Tình trạng càng kéo dài sẽ càng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này. Một vài chia sẻ của chuyên gia dưới đây sẽ là cứu cánh cho việc trị táo bón lâu ngày cho trẻ.
Mục lục
1. Táo bón là gì? Biểu hiện táo bón ở trẻ
Táo bón được định nghĩa là sự chậm trễ hoặc khó đi đại tiện, xuất hiện từ 2 tuần trở lên đủ để gây ra tình trạng đau đớn cho bệnh nhân.
Táo bón là một vấn đề nhi khoa phổ biến mà các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường xuyên tư vấn trên lâm sàng. Vấn đề táo bón ở trẻ không chỉ gây đau đớn cho các bé, mà còn khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Các biểu hiện táo bón ở trẻ em:[1]
- Giảm tần suất đi đại tiện
- Đại tiện khó, phân to, khô cứng
- Đau khi đại tiện
- Đau bụng
- Máu trên bề mặt phân cứng
- Trẻ chán ăn, nôn trớ
- Trẻ sợ nhà vệ sinh, nhịn đi đại tiện
Trong các biểu hiện trên thì phân to, đại tiện đau đớn, và nhịn đi vệ sinh là biểu hiện thường gặp nhất trên trẻ.
Với biểu hiện giảm tần suất đi đại tiện, các nhà khoa học có tính tần suất đi vệ sinh của trẻ thông thường như sau:
Táo bón tuy không nghiêm trọng, tuy nhiên nếu bị táo bón mãn tính kèm theo các dấu hiệu sau đây bạn nên đưa trẻ tới bác sĩ:
- Sốt
- Bỏ ăn
- Chướng bụng
- Sụt cân
- Một phần ruột sa ra ngoài hậu môn (sa trực tràng)
2. Cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân của táo bón ở trẻ
2.1. Cơ chế bệnh sinh
Theo thống kê, độ tuổi trẻ bị táo bón thường xuyên là từ 2-4 tuổi. Ở độ tuổi đi học, tỷ lệ bé trai bị táo bón cao hơn ở bé gái. Hậu môn chia làm hai nhóm cơ, vơ vòng trong là nhóm cơ không tự chủ, hoạt động khi phân đi vào trực tràng; cơ vòng ngoài là nhóm cơ tự chủ, điều khiển được bởi ý muốn.
Chúng ta xuất hiện cảm giác muốn đi đại tiện khi phân tiếp xúc với niêm mạc trực tràng dưới.
Tuy nhiên khi trẻ tránh không muốn đi đại tiện, trẻ sẽ siết chặt cơ vòng ngoài hậu môn và siết chặt cơ mông. Hành động này có thể đẩy phân lên cao hơn trong vòm trực tràng, giảm cảm giác muốn đi đại tiện.
Nếu việc này diễn ra thường xuyên, phân giữ lại trong trực tràng ngày càng nhiều khiến cho cơ trực tràng căng ra, giảm sức đẩy khối phân ra ngoài. Phân lưu lại trong trực tràng ngày càng lâu, khối phân bị hút nước trở nên khô cứng hơn.
Đi ngoài phân cứng và lớn có thể gây ra vết nứt hậu môn, đau đớn cho trẻ. Từ đó trẻ lại sợ đi đại tiện dẫn đến việc bị táo bón trở thành chu kỳ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Các nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ có thể kể đến như:[1]
2.2. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Trẻ nhịn đi đại tiện
Đây có thể là nguyên nhân do bản thân bé không muốn đi đại tiện. Các bé đang vui chơi, không muốn bỏ dở việc chơi, các bé đi nhà trẻ, đi học sợ việc đi vệ sinh tại trường lớp, trẻ em vui chơi nơi công cộng không muốn đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng,..
Một nguyên nhân khác của việc trẻ tránh đi đại tiện có thể là do sợ cảm giác bị đau đớn của lần táo bón trước dẫn đến việc trẻ tránh đi vệ sinh. Đây là nguyên nhân khiến táo bón có thể thành một chu kì ở trẻ.
Chế độ ăn uống quá nhiều đạm, thiếu chất xơ
Một chế độ ăn uống nghèo chất xơ như rau, quả; giàu chất đạm như thịt, trứng, sữa; ít bổ sung nước cho bé có thể khiến bé bị táo bón. Nguyên nhân này thường gặp trên các đối tượng trẻ biếng ăn, trẻ không thích ăn rau, quả, chỉ thích ăn thịt.
Hoặc có thể gặp khi mẹ chưa chú trọng việc bổ sung chất xơ và nước thích hợp cho bé.
Trẻ phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày
Bất kì thay đổi đột ngột nào của môi trường có thể tác động đến hệ tiêu hóa của trẻ như nắng nóng, du lịch, bắt đầu đi học,…
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Thuốc có thể là nguyên nhân khiến bé bị táo bón đặc biệt là bổ sung sắt cho bé rất hay gặp, ngoài ra còn 1 số thuốc khác khiến trẻ táo bón có thể gặp như: thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc kháng axit,…
Di truyền ảnh hưởng đến tình trạng táo bón ở trẻ
Nếu trong gia đình có người thường xuyên bị táo bón vậy ngoài có thể do chế độ ăn uống sinh hoạt của gia đình thì còn có thể là do yếu tố di truyền.
Ít vận động làm giảm nhu động ruột
Ít vận động thể lực khiến cho hoạt động nhu động ruột giảm, từ đó lưu phân trong đường tiêu hóa lâu hơn.
Ngoài ra, việc táo bón mãn tính có thể là dấu hiệu của một số bệnh ác tính nguy hiểm như: Bệnh Hirschsprung, rối loạn thần kinh, bệnh xơ nang, bất thường tủy sống, nhiễm độc kim loại, tăng canxi giáp,… Do đó, với việc táo bón mãn tính và áp dụng các biện pháp thay đổi nhưng không hiệu quả, cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ.
>> Xem thêm: 7 Nguyên nhân gây táo bón hàng đầu ở trẻ em
3. Hậu quả khôn lường khi trẻ táo bón kéo dài
Táo bón gây ra đau đớn trên trẻ em khi đi đại tiện, tuy nhiên thường không gây hậu quả nghiêm trọng. Với việc để táo bón trở thành mãn tính, có thể gây ra những biến chứng như:
- Đau rát vùng da xung quanh hậu môn
- Sa trực tràng, trực tràng rò ra ngoài hậu môn, trĩ – là hậu quả nghiêm trọng nhất.
- Giảm cân, biếng ăn, suy dinh dưỡng
- Đại tiện ra máu
- Tắc ruột
- Tâm lý sợ đi đại tiện, sợ nhà vệ sinh
Với việc liệt kê các hậu quả như trên, việc tâm lý trẻ sợ, né tránh đi đại tiện khiến cho việc điều trị táo bón ở trẻ trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy mẹ cần tránh việc táo bón trở thành ám ảnh tâm lý cho trẻ.
4. Các nhóm thuốc trị táo bón cho trẻ
Thuốc được xem là giải pháp hiệu quả giúp trẻ bị táo bón dễ dàng đi đại tiện hơn và giúp trẻ duy trì thói quen đi vệ sinh đều đặn.
4.1. Thuốc nhuận tràng kích thích
Đây là loại thuốc dùng trong trường hợp ngắn hạn, tuyệt đối không dùng dài ngày do lo ngại tác dụng của thuốc. Nhóm thuốc này có thể được coi như là nhóm thuốc giải nguy trong những trường hợp táo bón khẩn cấp. Thuốc tiêu biểu của nhóm là Bisacodyl, Senna, glycerin.
Cơ chế của nhóm thuốc này bao gồm:
- Kích thích đám rối thần kinh ở ruột, từ đó tăng nhu động ruột, đẩy phân xuống và ra ngoài.
- Thay đổi tính thấm của tế bào niêm mạc ruột, tăng hút nước và điện giải vào lòng ruột làm mềm phân
Với hai cơ chế trên đây, thuốc giúp cho khối phân tăng khối lượng và mềm ra nhanh chóng được đẩy ra ngoài. Tuy nhiên nếu dùng trong dài ngày sẽ gây nhiều tác dụng không mong muốn như kích hoạt liên tục đám rối thần kinh có thể lâu dần khiến chúng lệ thuộc thuốc, đau bụng, mất nước và điện giải làm rối loạn điện giải nghiêm trọng.
Do vậy chỉ nên sử dụng thuốc nhóm này trong ngắn ngày, mỗi đợt không nên quá 1 tuần, giữa hai đợt nên cách nhau ít nhất 3 tuần. Và đây là nhóm thuốc chỉ dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Với trẻ nhỏ hơn, bạn nên tham khảo sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu dưới đây.
4.2. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Đây là nhóm thuốc tương đối an toàn dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cơ chế hoạt động của các thuốc thuộc nhóm này là
- Làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột từ đó hút nước vào trong lòng ruột và làm mềm phân.
- Thuốc còn làm tăng nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài.
Với cơ chế như vậy sẽ làm tăng khối lượng, độ mềm của phân, tăng tần suất đi đại tiện của trẻ.
Các thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như Lactulose (Duphalac), sorbitol, macrogol là các đại diện phổ biến của nhóm. Tác dụng không mong muốn của lactulose, sorbitol là có thể gây chướng bụng, đầy hơi, đau quặn bụng,…
Ngoài ra nhóm còn có các muối magie nhưng hiện nay ít dùng do có tác dụng không mong muốn nghiêm trọng như tăng magie máu, hạ canxi và phosphat máu thứ phát.
Nhuận tràng thẩm thấu là nhóm thuốc được khuyến khích dùng dài ngày cho trẻ để duy trì thói quen đại tiện cho trẻ. Có thể kết hợp nhóm nhuận tràng thẩm thấu và nhóm thuốc nhuận tràng bôi trơn dùng dài ngày trên trẻ.
4.3. Thuốc nhuận tràng làm mềm phân
Các thuốc làm mềm phân có bản chất là anion, đóng vai trò làm mềm khối phân thông qua hai cơ chế chính:
- Là chất nhũ hóa, làm tăng tương tác của phần vật chất rắn với nước – chất lỏng trong phân, tránh chúng tạo khối nguyên rắn.
- Kích thích bài tiết nước và điện giải vào trong lòng ruột làm mềm và tăng khối lượng của khối phân.
Với cơ chế trên, khối phân nhanh chóng được mềm ra, và tăng khối lượng giúp tống tháo phân dễ dàng hơn. Nhóm thuốc này chỉ dành cho trẻ từ 12 tuổi trở nên. Với trẻ nhỏ hơn mẹ nên sử dụng các thuốc nhóm khác. Tác dụng không mong muốn của trẻ khi dùng thuốc là có thể bị rối loạn điện giải, thiếu hụt các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K. Do vậy không nên dùng thuốc trong một thời gian dài và nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng thuốc nhóm này.
Một lưu ý là nhóm này cần thời gian để nhũ hóa chất lỏng như nước và chất béo nên phải mất vài ngày thuốc mới có tác dụng nên không dùng cho trường hợp khẩn cấp.
4.4. Thuốc nhuận tràng tạo khối độn
Đây là nhóm thuốc đầu tay cho điều trị táo bón cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bản chất của các thuốc nhóm này là các chất xơ được biết đến là prebiotics, hoạt động với 3 cơ chế chính:
- Là chất xơ không bị tiêu hóa bởi dịch tiêu hóa của con người nên chúng có thể tăng khối lượng phân khi hút nước trương nở tạo gel.
- Nuôi dưỡng hệ lợi khuẩn đường ruột. Các prebiotics là nguồn dinh dưỡng chính của các chủng lợi khuẩn đường ruột, hệ lợi khuẩn đường ruột này có vai trò rất lớn trong việc giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh
- Các thuốc nhóm này có tính thẩm thấu, giúp giữ nước trong lòng ruột, làm mềm khối phân.
Các thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như chất xơ methylxenlulose, chất xơ hòa tan inulin, oligofructose. Trong đó, inulin là chất xơ hòa tan được dùng phổ biến nhất do ngoài vai trò trên đường tiêu hóa, chúng còn có nhiều vai trò quan trọng khác như tăng hấp thu canxi, sắt, tăng sức đề kháng,…
Nhóm thuốc này ít tác dụng không mong muốn, không dị ứng và an toàn do là các thành phần tới từ thiên nhiên trong các loại rau, củ, quả thường dùng. Thuốc cũng không gây lệ thuộc như nhóm nhuận tràng kích thích.
Với vai trò trên, cùng với việc các thuốc này tương đối an toàn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thuốc nhóm này là lựa chọn đầu tay cho việc điều trị táo bón dài ngày ở trẻ.
4.5. Thuốc nhuận tràng làm trơn
Với bản chất là dầu bôi trơn (parafin, dầu khoáng), không tiêu hóa được bởi đường tiêu hóa, hoạt động với cơ chế:
- Bao quanh niêm mạc trực tràng, khối phân làm trơn
- Ngăn cản quá trình hấp thu nước từ khối phân vào niêm mạc ruột, giúp giữ nước trong khối phân.
Với hai cơ chế trên, thuốc nhuận tràng làm trơn giúp việc đi đại tiện trở nên dễ dàng, giảm cảm giác đau đớn, và tăng tần suất đi đại tiện. Nhóm thuốc này không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi và sẽ ngăn cản việc hấp thu các vitamin tan trong dầu. Do vậy cần bổ sung vitamin A, D, E, K khi cần thiết.
Việc sử dụng thuốc là cần thiết giúp trẻ duy trì hành vi đi đại tiện, tránh tình trạng táo bón lặp lại. Tuy nhiên mẹ cần biết con ở độ tuổi nào để dùng thuốc nhóm nào cho hợp lý. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khuyến khích dùng nhóm nhuận tràng tạo khối – prebiotics dài ngày. Với trường hợp khẩn cấp có thể dùng thuốc nhuận tràng kích thích.
>> Xem thêm: [Tổng quan] Thuốc trị táo bón & phương pháp xử trí
5. Phương pháp xử trí và dự phòng tái phát táo bón không dùng thuốc
Điều trị và phòng ngừa táo bón thông thường dựa vào việc thay đổi các nguyên nhân gây ra táo bón:
5.1. Hướng dẫn con tư thế đi vệ sinh đúng cách
Với việc ngồi đúng tư thế giúp bé đi vệ sinh dễ dàng hơn. Khi đi đại tiện, bé nên ngồi ngả người về phía trước giúp trực tràng và hậu môn tạo thành một đường thẳng không gấp khúc, đẩy phân ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Đây đặc biệt quan trọng trong khi bé bị táo bón, nó sẽ giúp bé giảm đau đơn khi đi đại tiện.
5.2. Cách massage bụng cho trẻ táo bón
Xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới theo một chiều nhất định sẽ giúp cải thiện nhu động ruột của trẻ. Việc này giúp tăng cường tống phân ra ngoài, tăng tần suất đại tiện cho trẻ. Đây là việc đơn giản giúp hệ tuần hoàn và hệ tiêu hóa của con khỏe mạnh hơn đồng thời tăng tương tác giữa mẹ và bé.
5.3. Thay đổi chế độ ăn uống
Việc thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung nhiều rau, củ, quả và uống đủ nước có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị táo bón với nguyên nhân là chế độ dinh dưỡng nhiều chất đạm, ít chất xơ.
Với trường hợp những trẻ biếng ăn rau, mẹ có thể tìm đến các sản phẩm giúp bổ sung chất xơ hòa tan như inulin trong sữa để giúp con bổ sung lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Uống đủ nước bao gồm cả sữa là một yếu tố quan trọng với trẻ vì cơ thể trẻ nước đóng vai trò vô cùng quan trọng và thiếu nước có thể là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.
Chế độ ăn là nguyên nhân quan trọng có ảnh hưởng tới tình trạng táo bón, cải thiện chế độ ăn qua nhiều cách là cách giúp trẻ phòng ngừa táo bón tái phát.
5.4. Tạo thói quen đi đại tiện cho trẻ
Nhiều trường hợp trẻ bắt đầu đi học và ngại đi vệ sinh tại trường, bạn có thể giáo dục, tâm sự với con để con có thể thoải mái đi đại tiện tại lớp. Tuy nhiên nếu không thay đổi được, bạn có thể chuyển thói quen đi vệ sinh của con vào thời gian trước khi đi học và sau khi tan học để con có thể thoải mái đi đại tiện tại nhà mà không cần nhịn. Bác sĩ khuyến nghị rằng tập việc đi vệ sinh vào một thời điểm cố định trong ngày con đi đại tiện đều đặn hơn.
Đặc biệt mẹ cần theo dõi hành vi đại tiểu tiện của con theo ngày bởi nhiều trường hợp bé ham vui, mẹ nên tạo thói quen nhắc nhở con đi vệ sinh thường xuyên. Đây là việc vô cùng quan trọng giúp trẻ đi vệ sinh một cách đều đặn và ngăn ngừa táo bón tái phát.
5.5. Dừng các thuốc nghi ngờ gây táo bón
Với việc sử dụng các thuốc nghi ngờ gây táo bón cho trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đổi hoặc ngừng thuốc khi cần thiết.
5.6. Tăng cường vận động thể chất
Việc giúp con tăng cường vận động thể chất giúp hệ tiêu hóa của con phát triển tốt, giảm tình trạng táo bón.
5.7. Lựa chọn lợi khuẩn phù hợp cho trẻ táo bón
Việc tăng cường lợi khuẩn đường tiêu hóa cho trẻ là việc quan trọng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm tiêu chảy, táo bón ở trẻ. Các chuyên gia khuyến khích việc bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa của trẻ bên cạnh phối hợp cùng prebiotics để phòng ngừa táo bón.
Các chủng lợi khuẩn quan trọng tại đại tràng phải kể tới như Bifidobacterium,…Do vậy nên ưu tiên bổ sung các sản phẩm có các chủng lợi khuẩn thuộc các loài trên.
Nhiều cha mẹ nhầm hiểu rằng, bổ sung sữa chua, sữa chứa lợi khuẩn sẽ giúp con tăng cường lợi khuẩn đường tiêu hóa. Tuy nhiên, lợi khuẩn nếu không được bảo vệ bởi công nghệ bào chế thích hợp có thể bị tiêu diệt bởi acid dạ dày và dịch tiêu hóa của ruột non thì không có tác dụng làm giàu hệ lợi khuẩn ruột già.
Do vậy, mẹ nên tìm hiểu các sản phẩm lợi khuẩn có công nghệ sản xuất tiên tiến giúp bảo vệ lợi khuẩn trong đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, có thể bổ sung thêm chất xơ – prebiotics, phổ biến nhất là inulin – chất xơ hòa tan với nhiều vai trò với cơ thể cũng được khuyến khích dùng cho trẻ bởi tính an toàn và hiệu quả.
Trên đây là các cách giúp bé điều trị và phòng ngừa táo bón đơn giản không dùng thuốc mà cha mẹ có thể bắt giúp trẻ. Trong đó, chúng tôi khuyến khích cha mẹ lựa chọn bổ sung lợi khuẩn và chất xơ hòa tan với một chế độ ăn hợp lý cho gia đình và trẻ.
>> Xem thêm: Táo bón – Cẩm nang 9 điều cần biết
6. Tổng kết
Táo bón là vấn đề nhi khoa thường gặp ở mọi độ tuổi, gây ám ảnh tâm lý cho trẻ và ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa của trẻ. Cha mẹ nên có cái hiểu đúng về táo bón để giúp con có những lựa chọn và điều chỉnh hợp lý trong điều trị và phòng ngừa táo bón tái phát.
Con phát triển với đường tiêu hóa khỏe mạnh thì mới có thể phát triển nhận thức, thể chất đầy đủ, nên chúng tôi khuyến khích cha mẹ lựa chọn phương pháp bổ sung lợi khuẩn và chất xơ hòa tan là một giải pháp giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482
Tham khảo nguồn: