Trẻ sơ sinh vốn rất nhạy cảm và cần được chăm sóc đúng cách, vì vậy việc chăm sóc là thử thách không nhỏ, nhất là với những người mới lần đầu làm cha mẹ. Trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, vệ sinh và chăm sóc cuống rốn như thế nào cho đúng khiến không ít ông bố bà mẹ trẻ băn khoăn, lo lắng, bởi nếu vệ sinh không đúng cách có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bé. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn mẹ cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh.
Mục lục
- 1. Tại sao cần vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách
- 2. Nguyên tắc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
- 3. Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn
- 4. Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
- 5. Một số vấn đề về rốn của trẻ sơ sinh
- 6. Một số sai lầm về cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh
- 7. Khi nào cần đưa trẻ tới cơ sở y tế
1. Tại sao cần vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách
Thời kỳ mang thai, oxy và chất dinh dưỡng được cung cấp cho em bé từ nhau thai theo dây rốn. Khi được sinh ra, bé có thể tự thở, ăn uống và đào thải chất thải ra ngoài nên dây rốn sẽ được cắt bỏ. Phần còn lại ở bụng trẻ sau khi khô và rụng chính là rốn của trẻ.
Bình thường rốn của trẻ sẽ rụng trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau sinh và sau 15 ngày thì rốn sẽ lành. Khi chưa liền, rốn là một “ngõ vào” quan trọng gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu, dẫn đến tử vong cho trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Không ít bà mẹ sinh con lần đầu thường gặp khó khăn khi không biết phải chăm sóc rốn cho bé như thế nào và thường làm theo những lời mách của mọi người xung quanh. Và nhiều trường hợp như băng rốn quá chặt, hoặc đắp một số thuốc, một số lá đã vô tình khiến bé bị viêm nhiễm hoặc lâu rụng hoặc thậm chí nhiễm trùng rốn ở trẻ.
2. Nguyên tắc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
- Chăm sóc rốn cho trẻ là một quá trình liên tục, phải làm từ ngay khi sinh cho tới khi rốn lành. Tuyệt đối phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh.
- Việc chăm sóc rốn phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, hộ sinh hoặc các chuyên gia y tế. Cha mẹ KHÔNG ĐƯỢC tự ý rắc bột kháng sinh, bôi thuốc đỏ vào rốn; chỉ dùng các thuốc đã được các bác sĩ chỉ định
- Rốn trẻ phải bảo đảm được khô ráo (không để nước tiểu, nước tắm… làm ướt rốn); rốn phải được cố định, băng lại bằng gạc sạch để không bị cọ sát khi trẻ cử động, nhưng phải bảo đảm thoáng; không được tự ý cạy vảy mà phải để rốn rụng tự nhiên
- Thường xuyên theo dõi, vệ sinh để phát hiện ra những bất thường một cách kịp thời. Nếu chưa có kinh nghiệm chăm sóc, các mẹ nên hỏi bác sĩ của bé về số lần nên tắm rửa cho con vì da bé vốn nhạy cảm và không cần thiết phải được làm sạch mỗi ngày.
3. Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn
Cần chăm sóc, theo dõi rốn cho trẻ sơ sinh hàng ngày và vệ sinh rốn theo các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị băng và gạc rốn vô trùng, nước muối 0,9%, cồn 70 độ hay 90 độ, và một số dung dịch sát trùng.
- Bước 2: Rửa tay sạch bằng nước và xà phòng, sát trùng lại bằng cồn 70 độ – 90 độ.
- Bước 3: Nhẹ nhàng tháo băng rốn, dùng gạc vô trùng nâng cuống rốn nhẹ nhàng.
- Bước 4: Quan sát cuống rốn (chân, mặt cắt, dây rốn, rốn) và vùng da quanh rốn xem có bị viêm đỏ, có mủ, có mùi, có dịch vàng hay có chảy máu không. Đây là những dấu hiệu nhiễm trùng rốn, nên mẹ cần chú ý để phát hiện và xử trí kịp thời
- Bước 5: Dùng bông hoặc tăm bông thấm dung dịch sát trùng theo thứ tự: từ chân rốn, thân cuống rốn (từ chân rốn lên mặt cắt cuống rốn), kẹp rốn, mặt cắt cuống rốn.
- Bước 6: Sát trùng vùng da quanh rốn từ trong ra ngoài, rộng ra vùng xung quanh khoảng 5cm. Sau đó, băng lớp gạc mỏng vô trùng nếu rốn còn tươi.
- Bước 7: Quấn tã vùng dưới rốn, tránh phân, nước tiểu hay bất kỳ chất gì vấy bẩn lên vùng rốn.
» Xem thêm: 4 thuốc sát trùng không xót, an toàn cho trẻ sơ sinh
4. Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
4.1. Vệ sinh cho bé trước khi rụng rốn
Phần cuống rốn của bé khô đi và cuối cùng rụng – thường trong vòng một đến ba tuần sau khi sinh. Trong khi chờ đợi rốn của bé lành lại, mẹ cần chăm sóc bé một cách nhẹ nhàng khi vệ sinh hoặc tắm rửa cho trẻ:
- Trải một chiếc khăn tắm khô và sạch trên bàn hoặc giường. Đảm bảo trẻ được đặt ở nơi ấm áp trong nhà.
- Cởi quần áo của bé và đặt trên khăn tắm.
- Làm ướt kỹ khăn sạch dành cho trẻ sơ sinh và kéo nó ra để không bị ướt.
- Nhẹ nhàng lau da cho bé, lưu ý tránh vùng rốn.
- Tập trung lau kỹ ở vào các nếp gấp cổ và nách, nơi sữa hoặc mồ hôi thường đọng lại.
- Để da bé khô càng lâu càng tốt, sau đó vỗ nhẹ cho khô.
- Cho bé mặc quần áo cotton sạch, không quá chật cũng không quá lỏng.
4.2. Vệ sinh rốn sau khi rụng
- Với rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng, mẹ có thể cho bé tắm như bình thường mà không cần phải làm sạch rốn nhiều hơn.
- Mẹ cũng có thể dùng góc của khăn để lau vùng rốn, nhưng không cần dùng xà phòng hoặc chà quá mạnh.
- Nếu rốn vẫn chưa lành hẳn, hãy tránh chà xát mạnh.
4.3. Một số lưu ý khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
- Khi rốn bị ướt, nhẹ nhàng lau khô bằng khăn sạch dành riêng cho trẻ. Mẹ cũng có thể thử sử dụng tăm bông, nhưng tránh quá mạnh tay hoặc chà xát mạnh vào rốn.
- Gấp phần trên của tã xuống để chà xát vào cuống rốn. Hiện nay có một vài loại tã sơ sinh có thiết kế phù hợp để ngăn tã cọ sát vào cuống.
- Nên cho trẻ sử dụng quần áo cotton sạch cho trẻ sơ sinh. Mẹ cũng có thể kéo quần áo nhẹ qua rốn, nhưng tránh mặc quần áo quá chật hoặc vải bí mồ hôi.
5. Một số vấn đề về rốn của trẻ sơ sinh
Vệ sinh rốn trẻ sơ sinh không đúng cách có thể gây ra một số vấn đề, bao gồm:
- Nhiễm trùng rốn: nếu quanh chân rốn có dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, hoặc có nhiều dịch tiết, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay. Đây là trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn và vùng da quanh rốn, cần được điều trị tại bệnh viện.
- U hạt rốn: Sau khi cuống rốn đã rụng nhưng vùng chân rốn vẫn bị rỉ dịch vàng kéo dài, bé không có dấu hiệu sốt, hoặc sưng, nóng đỏ vùng rốn thì bé có thể đã bị u hạt rốn. Nếu không được chữa trị kịp thời, u hạt rốn có thể kéo dài dẫn đến nhiễm trùng rốn. Tại bệnh viện, u hạt rốn được điều trị với bạc nitrate.
- Thoát vị rốn: Đôi khi, rốn lồi ra ngoài là dấu hiệu của thoát vị rốn. Thoát vị rốn là khi khiếm khuyết một phần cơ thành bụng và một phần quai ruột sẽ chui ra chỗ khuyết đó tạo nên một khối phồng. Khối phồng sẽ to hơn khi trẻ khóc hoặc uốn vặn, và sẽ nhỏ lại khi trẻ nằm yên. Thoát vị rốn thường gặp trong 10-20% trẻ sơ sinh. Khối thoát vị bị nghẽn không thể đẩy vào được (hiếm), trẻ sẽ đau, nôn ói. Trẻ nên được khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
6. Một số sai lầm về cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh không phải điều dễ dàng. Với những người lần đầu làm mẹ, thì thường làm theo một số cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh mà không biết rằng điều đó có thể gây hại cho bé.
- Một trong những quan niệm sai lầm về cách chăm sóc rốn cho bé là băng rốn quá chật, quá kín. Nhiều người thường nghĩ rằng, băng kín rốn giúp bảo vệ rốn khỏi bụi bẩn, vi khuẩn,… Nhưng trái lại, việc băng rốn quá kín sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ, viêm nhiễm …
- Ngoài băng kín rốn, nhiều mẹ khi thấy rốn của con gần rụng, chỉ còn dính một phần rất nhỏ với cuống rốn đã tự ý giật hoặc cạy bỏ. Việc này có thể gây tổn thương nguy hiểm và nghiêm trọng cho bé, làm chảy máu, nhiễm trùng rốn của trẻ.
- Một số mẹ lại vệ sinh rốn trẻ sơ sinh, tắm và lau rửa rốn cho bé quá thường xuyên khiến rốn lâu rụng thậm chí viêm nhiễm rốn ở con.
- Nguy hiểm nhất là việc tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu v.v… lên cuống rốn bé với suy nghĩ sẽ giữ vệ sinh cho rốn và làm cho rốn mau rụng.
Chính sự một số quan niệm sai lầm này có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị nhiễm trùng rốn nặng, khó điều trị và để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da.
7. Khi nào cần đưa trẻ tới cơ sở y tế
Trong quá trình rụng rốn, mẹ có thể thấy ở gần cuống rốn có một chút máu. Điều này hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, nếu vùng rốn bé chảy mủ, vùng da xung quanh đỏ và sưng lên hoặc vùng đó nổi một vết sưng ươn ướt màu hồng thì cha mẹ hãy liên hệ với bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng rốn. Cần điều trị kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng.
Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc rốn hàng ngày để phát hiện nguy cơ nhiễm trùng và tai biến. Khi phát hiện một trong các triệu chứng sau, thì phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa ngay:
- Rốn trẻ rỉ nước vàng, có mùi hôi hoặc rốn trẻ có mủ.
- Chảy máu rốn nhiều, khó cầm máu
- Da quanh rốn sưng nề, tấy đỏ, trẻ quấy khóc
- Rốn có chồi hạt, rỉ nước kéo dài hay rốn chậm rụng sau 3 tuần.
Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu rốn của bé không sau ba tuần. Vì rất có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch.
Hầu hết các mẹ lần đầu “lên chức” đều rất quan tâm đến cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh. Hy vọng những chia sẻ nói trên sẽ giúp ích cho các mẹ trong hành trình cùng con lớn lên!
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
» Xem thêm: Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh chuẩn, tránh nhiễm trùng
Nguồn tham khảo