Sốt là sự tăng thân nhiệt của cơ thể trong một thời gian ngắn để chống lại các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, vi rút,…). Tuy nhiên trong một số trường hợp, sốt biểu hiện tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng và lúc này cần phải được xử trí kịp thời. Dưới đây là 5 nguyên tắc xử trí chuẩn khi trẻ bị sốt. Các mẹ hãy theo dõi nhé.
Mục lục
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt
Thân nhiệt bình thường của trẻ nhỏ là từ 36,5- 37oC. Bé sơ sinh bị sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38oC và cũng có thể có một số biểu hiện khác kèm theo như: biếng ăn, người mệt mỏi, nổi mẩn, ho, sổ mũi,…
Tuy nhiên, các mẹ cũng cần phân biệt được các trường hợp bé tăng thân nhiệt nhưng không phải bị sốt, chẳng hạn:
- Trời nắng nóng cũng khiến nhiệt độ cơ thể bé tăng lên.
- Bé mặc quá nhiều áo quần.
- Bé vừa tắm nước ấm.
Bằng cách đo thân nhiệt, các mẹ dễ dàng xác định được bé sơ sinh có bị sốt hay không?
Cách đo thân nhiệt phổ biến nhất hiện nay là sử dụng nhiệt kế thuỷ ngân.
- Ưu điểm: Sử dụng đơn giản, rẻ tiền.
- Nhược điểm: Thuỷ ngân rất độc, do đó nếu nhiệt kế bị vỡ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, trong quá trình sử dụng, các mẹ cần phải thận trọng.
1.1. Sử dụng nhiệt kế thuỷ ngân đo thân nhiệt ở trẻ đúng cách.
- Các mẹ cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Trước khi sử dụng nhiệt kế, các mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vùng kim loại sẽ tiếp xúc trực tiếp với cơ thể bằng bông có tẩm cồn.
- Tiếp theo, các mẹ cầm chắc đuôi nhiệt kế vẩy mạnh để nhiệt độ xuống dưới mức 35 độ C.
- Sau đó, các mẹ kẹp nhiệt kế vào nách trẻ và giữ trong vòng 5-7 phút.
- Cuối cùng, lấy nhiệt kế ra và đọc kết quả.
LƯU Ý:
- Khi đo xong thì các mẹ cần vệ sinh nhiệt kế bằng bông có tẩm cồn, sau đó mới cất vô lại hộp để bảo quản.
- Việc đo thân nhiệt bằng nhiệt kế thuỷ ngân kẹp nách thường cho kết quả không chính xác lắm. Song đây lại là cách mà các mẹ có thể dễ dàng thực hiện được.
- Trong quá trình sử dụng, nếu nhiệt kế bị rơi vỡ thì các mẹ cần:
-
- Cởi bỏ quần áo bị dính thuỷ ngân, đưa trẻ rời xa khỏi khu vực có nhiệt kế thuỷ ngân bị rơi vỡ.
- Tuyệt đối không dùng chổi quét vì sẽ khiến thuỷ ngân phân thành những giọt nhỏ hơn, song cũng không thể dùng máy hút bụi vì sẽ làm thuỷ ngân bay trong không khí, tăng diện tích tiếp xúc dẫn đến dễ nhiễm độc hơn.
- Sử dụng bột lưu huỳnh để thu gom thuỷ ngân. Lưu huỳnh sẽ tác dụng với thuỷ ngân tạo thành HgS không còn độc nữa. Do đó, chúng ta có thể thu gom những mảnh vỡ nhiệt kế một cách dễ dàng.
Bên cạnh việc sử dụng nhiệt kế thuỷ ngân để đo thân nhiệt, các mẹ có thể sử dụng các loại nhiệt kế khác chẳng hạn như nhiệt điện tử đo thân nhiệt ở tai, trán,…
Cách đo thân nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chính xác nhất theo lời khuyên của các chuyên gia chính là sử dụng nhiệt kế điện tử đo ở vùng trực tràng (hậu môn).
1.2. Đo thân nhiệt ở trẻ bằng đường trực tràng:
- Các mẹ cần đọc kỹ các hướng dẫn của nhà sản xuất về cách dùng nhiệt kế.
- Làm sạch nhiệt kế bằng cồn hoặc xà phòng.
- Phủ lên trên bề mặt nhiệt kế 1 lớp vaseline mỏng.
- Cởi bỏ quần áo hay tã lót của bé.
- Đặt bé nằm sấp một cách thoải mái (trên giường, trên đùi mẹ,…).
- Giữ yên trẻ trong quá trình đo nhiệt độ để tránh nhiệt kế đi vào quá sâu, gây đau trẻ.
- Bật nhiệt kế và đút vào trực tràng của trẻ sơ sinh 1,5 – 2 cm cho đến khi nhiệt kế phát ra tiếng bíp (hầu hết các nhiệt kế đều có rãnh hoặc dấu hiệu thể hiện khoảng cách an toàn đưa vào trực tràng).
- Sau đó, các mẹ cẩn thận rút nhiệt kế ra và đọc kết quả.
2. Xác định nguyên nhân khiến bé sơ sinh bị sốt
Bé sơ sinh bị sốt có do nhiều nguyên nhân.
2.1. Sốt nhiễm trùng do vi khuẩn:
Một số vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của bé gây nên các tình trạng viêm nhiễm.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: bé có các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi,…
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa: bé bị nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn, ký sinh trùng, …gây nên tình trạng tiêu chảy, mất nước, thậm chí sốt, đi ngoài phân lẫn máu,…
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: bé bị sốt kèm theo tiểu buốt, nước tiểu có mùi, đôi khi có màu đỏ, bé bị đau thắt lưng do bị viêm cầu thận, viêm bàng quang,…
- Một số trường hợp bé sơ sinh bị sốt do nhiễm khuẩn màng não, gây nên hiện tượng đau đầu, nôn mửa, thậm chí còn co giật, hôn mê nếu không được xử trí kịp thời.
2.2. Sốt do nhiễm vi rút:
- Bé sơ sinh bị sốt xuất huyết do vi rút Arenavirus, Filoviridae, Bunyaviridae và Flavivirus nếu ngủ không buông màn hay môi trường xung quanh không vệ sinh sạch sẽ, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và lan truyền virus gây bệnh.
- Bé bị sốt do nhiễm virus sợi, virus cúm,…nếu không được tiêm phòng trước đó.
- Bé bị nhiễm Rotavirus có biểu hiện sốt cao kèm theo tiêu chảy mất nước và chất điện giải.
2.3. Sốt do tiêm phòng:
Thông thường, sau khi trẻ được tiêm vắc xin (đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể) sẽ khiến cơ thể tạo ra các đáp ứng miễn dịch. Sự tăng thân nhiệt (sốt) là một phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân lạ. Chính vì vậy mà sau mỗi lần tiêm phòng, các nhân viên y tế đều phải theo dõi trẻ trong vào 30 phút để đề phòng các phản ứng bất lợi có thể xảy ra và nếu gặp phải trường hợp đó thì họ cũng có thể xử trí kịp thời.
>> Xem thêm: Tại sao trẻ bị tiêu chảy thường kèm theo sốt?
3. Chăm sóc bé sơ sinh bị sốt như thế nào?
Bé sơ sinh bị sốt thường rất mệt mỏi, khó chịu và hay quấy khóc. Chăm sóc hợp lý sẽ làm giảm tình trạng bệnh của trẻ, khiến trẻ thoải mái hơn.
Dưới đây là 5 cách chăm sóc bé bị sốt, các mẹ có thể tham khảo
- Trẻ bị sốt, vã mồ hôi nhiều, đôi khi sẽ dẫn đến mất nước, do đó các mẹ cần bổ sung nước và cho trẻ bú mẹ thường xuyên.
- Dùng khăn ấm lau người cho trẻ cũng là một cách hạ sốt nhanh chóng. Ngoài ra việc lau người cũng khiến trẻ thoải mái hơn, giảm cảm giác khó chịu, bịn rịn khi mồ hôi đổ quá nhiều.
- Các mẹ nên thay áo quần cho trẻ thường xuyên, cho trẻ mặc đồ mỏng, thoải mái. Tránh trường hợp cho trẻ mặc đồ quá dày, khiến trẻ khó chịu, đôi khi nó còn khiến trẻ sốt cao hơn.
- Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên giữ cho phòng trẻ được thoáng khí, sạch sẽ, tránh gió.
- Ngoài ra, các mẹ cần đo nhiệt độ trẻ thường xuyên. Trường hợp trẻ sốt cao liên tục không hạ thì phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Có nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh hay không?
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cơ thể chưa phát triển một cách toàn diện. Do đó, việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh cần phải thận trọng.
Chính vì vậy, các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc cho trẻ.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt đối với trẻ sơ sinh:
- Các mẹ sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh đúng liều lượng như đã được khuyến cáo. Tuyệt đối không được dùng quá liều vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ (Acetaminophen hay Paracetamol, nếu dùng quá liều sẽ gây độc gan, thậm chí dẫn tới tử vong). Liều lượng các mẹ có tham khảo:
- Uống Paracetamol cách nhau tối thiểu 4 giờ/ lần. Với mức liều 10-15 mg/kg
- Uống Ibuprofen cách nhau tối thiểu 6 giờ/ lần.
- Các mẹ KHÔNG NÊN sử dụng Aspirin để hạ sốt cho trẻ, bởi vì Aspirin có tác dụng phụ là chảy máu dạ dày, gây xuất huyết tiêu hóa. Bên cạnh đó, nó còn khiến trẻ dễ mắc hội chứng Reye – hội chứng rối loạn hiếm gặp có thể dẫn đến tử vong.
- Các mẹ không được tự ý mua thuốc trị ho, sổ mũi, …cho trẻ uống mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Trong trường hợp trẻ nôn trớ nhiều, khó chịu ở đường tiêu hóa không thể dùng thuốc bằng đường uống thì các mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc đường trực tràng cho trẻ. Chẳng hạn như: thuốc đạn paracetamol dùng đường trực tràng, giúp trẻ hạ sốt nhanh, tránh được ảnh hưởng của đường tiêu hóa.
>> Xem thêm: Paracetamol – Sử dụng thuốc hạ sốt an toàn, hiệu quả
5. Khi nào cần đưa bé sơ sinh bị sốt đến bác sĩ?
Bé sơ sinh bị sốt – khi nào cần đưa đến bác sĩ? Đây chắc là câu hỏi mà rất nhiều mẹ thắc mắc phải không ạ?
Sốt là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sốt cao quá mức sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ, nó gây ra tình trạng sốc, co giật thậm chí khiến trẻ tử vong. Do đó các mẹ cần lưu ý một số biểu hiện sau để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, giúp trẻ được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Trẻ sốt cao trên 39oC
- Trẻ ăn biếng ăn, ăn không ngon.
- Bé quấy khóc thường xuyên chứng tỏ bé đang rất khó chịu.
- Mặt bé đỏ ửng hoặc nhợt nhạt.
- Tã ít ướt, bé tiểu ít chứng tỏ bé có dấu hiệu mất nước.
- Bé phát ban không rõ nguyên nhân (các đốm màu đỏ, tím đỏ, không chuyển sang màu trắng khi các mẹ ấn nhẹ vào).
- Bé khó thở hoặc thở nhanh.
TÓM LẠI:
Bài viết trên cung cấp cho các mẹ 5 nguyên tắc xử trí chuẩn khi bé sơ sinh bị sốt. Mong rằng có thể giúp các mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ.
Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe của bé, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo: